Hà Nội tiếp tục giữ vị trí thứ hai về chỉ số hài lòng phục vụ hành chính
Người dân tra cứu thông tin tại Bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm
Bài liên quan
Tăng cường công tác thanh tra công vụ, kiểm tra CCHC theo hướng đột xuất
Đổi mới chỉ đạo, điều hành
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, để đạt được kết quả trên, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai toàn diện, đồng bộ công tác CCHC ở tất cả các cấp, các ngành, với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả; tạo sự đột phá về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp ngày một tốt hơn…
Với mục tiêu đó, thành phố tiếp tục đổi mới căn bản công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ; xác định rõ người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện CCHC.
Thành phố cũng tổ chức đánh giá xác định Chỉ số CCHC đối với các Sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; nghiên cứu, triển khai xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá tính sáng tạo và năng lực điều hành của các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.
Định kỳ hàng tháng, các cơ quan, đơn vị phải báo cáo tập thể UBND thành phố về kết quả, tiến độ triển khai cụ thể các nội dung được giao theo Kế hoạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Một bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện công tác CCHC là các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của thành phố luôn phải đặt bằng hoặc cao hơn mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của Chính phủ đề ra; xây dựng lộ trình và giải pháp đảm bảo thực hiện được trong từng năm, từng giai đoạn và phấn đấu có nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn.
Đặc biệt, trong mỗi giai đoạn CCHC, TP đều lựa chọn một hoặc một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, nổi bật, có những giải pháp, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, động viên, khuyến khích các đơn vị đổi mới, sáng tạo thực hiện CCHC như: chỉ đạo một số quận, huyện, thị xã thí điểm một số mô hình, sáng kiến mới CCHC mới từ đó nhân rộng nội dung làm tốt ra tất cả các xã, phường, thị trấn; triển khai thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập…
Những đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đã đem lại nhiều chuyển biến trong bộ máy các cơ quan hành chính, đem lại sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tại Ba Đình, từ UBND quận đến 14 phường đã đồng loạt triển khai hiệu quả 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Từ chỗ chưa đạt 50% số người giao dịch hành chính sử dụng DVCTT thì nay 100% hồ sơ hành chính về tư pháp đã được thực hiện qua DVCTT mức độ 3, nhiều phường đạt tỷ lệ người dân tự làm khá cao.
Tới Bộ phận Một cửa (BPMC) phường Đội Cấn (Ba Đình) đang làm TTHC liên thông “3 trong 1” cho cháu, bà Đỗ Thu Huệ rất phấn khởi khi được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn đăng nhập trực tuyến, hẹn trả kết quả chỉ sau vài ngày. "Tôi thấy đây là cải cách rất lớn của chính quyền, giúp người dân vừa đỡ phải đi lại vừa tránh được nhũng nhiễu từ cán bộ do giảm giao dịch trực tiếp”, bà Huệ cho biết.
Chú trọng công nghệ thông tin
Xác định rõ, CCHC cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, TP đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Đến nay toàn thành phố đã có 1.031 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt 55% thủ tục hành chính của Thành phố được triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó, 893 DVCTT mức 3 và 138 DVCTT mức 4; bao gồm các DVCTT tiếp nhận từ các bộ, ngành, các DVCTT do đơn vị tự triển khai và thành phố triển khai trên Cổng Dịch vụ công dùng chung.
Đặc biệt, thành phố đã triển khai việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công tại một số tổ dân phố, mô hình khu dân cư điện tử; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các em học sinh khối THCS nhằm thông qua các em học sinh, thực hiện tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng dân cư, tạo tiền đề xây dựng “công dân điện tử” và “Thành phố thông minh”. Bên cạnh đó, thành phố bố trí công chức và cộng tác viên giới thiệu, hướng dẫn tư vấn miễn phí cho tổ chức và công dân về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4....
Nhờ đó, không chỉ tại nội thành nơi có điều kiện hạ tầng đã đồng bộ, ngay cả địa bàn nông thôn cũng đã có bước tiến dài về triển khai DVCTT so với hơn 2 năm trước, mang lại rất nhiều tiện ích được người dân ghi nhận.
Cùng với việc chú trọng cải cách TTHC trong các lĩnh vực phục vụ doanh nghiệp và đời sống dân sinh như: Y tế, giáo dục, giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; bảo vệ môi trường… TP cũng thực hiện triển khai dịch vụ đỗ xe thông minh qua phần mềm trực tuyến Iparking tại tất cả các quận nội thành của thành phố; thực hiện thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công; thí điểm, đầu tư mở rộng lắp camera giám sát theo dõi xử lý vứt rác thải, đỗ xe, bán hàng không đúng quy định... tại một số tuyến đường liên phường, khu dân cư, tổ dân phố ở quận Long Biên, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm…; thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động”; vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố….