Hà Nội triển khai hành lang an toàn du lịch trong trạng thái bình thường mới
Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương Du lịch không chạm - xu hướng dịch chuyển an toàn trong mùa dịch Ngành du lịch thế giới lại gặp khó khăn vì biến thể Omicron |
Chiều 17/12, phát biểu tại Hội nghị “Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tập trung, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ TP tới cơ sở và phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc phát triển Du lịch Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị |
Trong giai đoạn 2016-2019, lượng khách Du lịch đến Hà Nội tăng trưởng nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, mức tăng trung bình đạt bình quân 10,1%/năm. Tỷ trọng của ngành Du lịch đóng góp vào GRDP TP ngày càng tăng, phát huy được vai trò của ngành kinh tế tổng hợp, có mức độ tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm cho cả thế giới và Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, làm cho nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế gặp khó khăn; Trong đó, ngành Du lịch chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, các khách sạn, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành bị giảm sút nhiều gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, mặc dù hiện nay, dịch COVID-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát tốt, du lịch nội địa vẫn hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Những khó khăn chồng chất cùng với việc đi lại giữa các quốc gia còn chưa được mở trở lại hoàn toàn, đã buộc ngành Du lịch phải chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa.
“Việc thúc đẩy du lịch nội địa là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp lữ hành trong trạng thái bình thường mới hiện nay và dần thích ứng với lộ trình mở cửa đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra”, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP, kể từ năm 2017 đến nay, sau khi không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động, bên cạnh các hoạt động văn hóa của TP, rất nhiều sự kiện quảng bá văn hóa - du lịch các địa phương đã được tổ chức hiệu quả, đưa hình ảnh con người, các địa danh cũng như các tiềm năng phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố trên cả nước đến với Nhân dân Thủ đô và khách du lịch trong cả nước như: Chương trình "Quảng Bình trong lòng Hà Nội", "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc", Festival di sản và quảng bá du lịch Quảng Nam, hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh Bình Định…
Trong chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá của thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN, bên cạnh những nội dung tuyên truyền thành phố Hà Nội - Trái tim và Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội cũng đã tập trung giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Việt Nam như: Bãi biển tuyệt đẹp của Quy Nhơn, món cao lầu của Hội An, hoạt động câu mực đêm tại Hạ Long và rất nhiều địa điểm du lịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã lần lượt xuất hiện kênh CNN quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước nói chung và ngành Du lịch nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành và triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch Thủ đô; Trong đó kích cầu những sản phẩm du lịch liên kết giữa Hà Nội và các địa phương, nhận được sự ủng hộ tích cực từ du khách Thủ đô và các tỉnh, thành khác.
“Tại Hội nghị ngày hôm nay, thành phố Hà Nội sẽ cùng với 11 tỉnh, thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hiệp hội du lịch thảo luận, trao đổi những vấn đề cần thiết để "Triển khai hành lang an toàn du lịch giữa các địa phương" trong trạng thái bình thường mới.
Trên cơ sở đó, thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Du lịch sẽ cùng với Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 11 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang cùng thống nhất ký kết hợp tác "triển khai hành lang an toàn du lịch giữa các địa phương" để từ đó đưa ra các Kế hoạch tổ chức thực hiện; Xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch cụ thể, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam; Nhằm thực hiện mục tiêu kép "vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế" theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố.