Hà Nội triển khai hoạt động phòng chống bệnh dại năm 2023
Hiện nay, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại tại trên 100 quốc gia (trong đó, 99% trường hợp người tử vong do nhiễm vi rút dại từ chó; 40% là trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong là ở châu Á và châu Phi); 29 triệu người phơi nhiễm với bệnh dại và phải đi điều trị dự phòng (trong đó 40% là trẻ em từ dưới 15 tuổi ở các nước châu Á và châu Phi).
Riêng tại Hà Nội, từ năm 2009 trở lại mỗi năm ghi nhận trung bình từ 1 – 3 bệnh nhân tử vong do bệnh dại mỗi năm, số mắc liên tục qua nhiều năm, tập trung chủ yếu tại các huyện ngoại thành.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, các năm 2017, 2018 đã ghi nhận các trường hợp mắc dại trên động vật tại Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm thông qua hoạt động giám sát người phơi nhiễm tại các phòng tiêm.
Từ đầu năm 2019, mặc dù ghi nhân sự gia tăng số lượng người tới các điểm tiêm chủng vắc xin dự phòng sau phơi nhiễm, đồng thời xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin phòng dại nhưng với sự đồng bộ triển khai công tác phòng chống bệnh dại các cấp, các ngành, toàn thành phố không ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do dại.
Năm 2020, TP ghi nhận 1 trường hợp tử vong do dại tại quận Cầu Giấy, năm 2021 ghi nhận 01 trường hợp tử vong tại quận Hoàng Mai. Các trường hợp trên đều có tiền sử bị cho cắn nhưng không được điều trị dự phòng.
Năm 2022, TP tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Phú Xuyên và Mê Linh, hai trường hợp này cũng không được điều điều trị dự phòng.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, ngày 21/12/2021 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2151/QĐ-TTg về Phê duyệt chương trình phòng chống bệnh dại Quốc gia giai đoạn 2022 - 2030.
Thành phố cũng đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể gồm: 100% các đơn vị thực hiện phối hợp liên ngành Y tế - Thú y trong hoạt động phòng chống bệnh dại theo quy định; 100% ca bệnh dại lâm sàng được phối hợp điều tra, xử lý.
Ngoài ra, TP đặt mục tiêu 100% quận, huyện, thị xã có phòng tiêm chủng vắc xin, huyết thanh phòng dại; Trên 90% trường hợp được xử lý vết thương trước khi tới cơ sở điều trị dự phòng; trên 90% các trường hợp được điều trị dự phòng đầy đủ, kịp thời.
Mục tiêu 100% các trường hợp tiêm vắc xin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia; tổ chức truyền thông trực tiếp cho đối tượng nguy cơ; truyền thông gián tiếp đạt mức tối thiểu 1 lần/tháng tại các xã ngoại thành, hàng tuần khi xuất hiện ca bệnh/ổ dịch...