Hà Nội triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
Chủ đề Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm nay là “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Thời gian tổ chức từ ngày 1/5 – 31/5/2022 trên địa bàn toàn thành phố.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền về Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn. (Ảnh minh họa) |
CDC Hà Nội là đơn vị thường trực tham mưu xây dựng kế hoạch của ngành Y tế Hà Nội triển khai Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, các đơn vị chủ động phối hợp liên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra vệ sinh lao động, công tác quan trắc môi trường lao động; lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc đối với các cơ sở có nhiều yếu tố độc hại, có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
Ngoài ra, thanh kiểm tra tập trung các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, dung môi trong ngành da giầy, dệt may, điện tử, trong các làng nghề, khu vực phi kết cấu, việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tự có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Cùng với đó, các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp; kiểm tra công tác thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại nơi làm việc, quan tâm nhiều đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các cơ quan, đơn vị, cơ sở lao động đóng trên địa bàn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động.
Ngoài ra, tổ chức thăm hỏi, động viên các trường hợp bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động trong ngành Y tế theo chương trình bảo vệ blouse trắng; phối hợp với người sử dụng lao động trong các cơ sở lao động lập kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, quan trắc môi trường lao động theo qui định hiện hành.
Các đơn vị tổ chức các hội thi, hội thảo, tọa đàm, mit tinh, tập huấn, huấn luyện... về chủ đề an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc.
Đối với hoạt động tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát động phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền về các thông điệp, tài liệu, video hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Các cơ quan, đơn vị xây dựng, gửi, phát các thông điệp, tài liệu, video truyền thông về các nguy cơ rủi ro mất an toàn lao động cũng như các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; tuyên truyền Luật an toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn.
Đồng thời, các đơn vị xây dựng các tài liệu, hướng dẫn cụ thể về kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cho người lao động nói chung và nhân viên y tế nói riêng; Ngoài ra, cung cấp các hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19, các nội dung về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động cho cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn.