Hà Nội: Trường học chuẩn bị sẵn sàng với các phương án thi học kỳ
25 tỉnh, thành đã cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng tránh dịch bệnh 6 học sinh Hà Nội lọt đội tuyển thi Olympic quốc tế năm 2021 |
Phụ huynh, học sinh lo lắng
Nếu theo đúng lịch, ngày 6 - 7/5 con chị Nguyễn Việt Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ thi học kỳ kết thúc năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, do diễn biến bất thường của dịch bệnh Covid-19, con chị Hưng cùng hàng triệu học sinh Hà Nội phải chuyển sang học và ôn thi trực tuyến từ ngày 4/5 đến nay. Chị Hưng chia sẻ: “Tôi chỉ mong con sớm kết thúc năm học để yên tâm nghỉ hè, phòng dịch chứ cứ học ôn như này không biết đến bao giờ thấy mệt mỏi thật sự”.
Hơn lúc nào hết, chị Hưng mong muốn ngành giáo dục Thủ đô trong giai đoạn này sẽ phát huy sự chủ động, sáng tạo trong kiểm tra, đánh giá học sinh. Chị cho rằng: “Với học sinh lớp 1-2-3-4, các thầy cô có thể hoàn toàn chủ động được việc đánh giá học sinh có hoàn thành chương trình học hay không để nhanh chóng kết thúc năm học trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay”.
Ảnh minh họa |
Nỗi lo của chị Hưng cũng là nỗi lo chung của hàng triệu phụ huynh Thủ đô. Đặc biệt, với những phụ huynh, học sinh năm nay phải thi chuyển cấp, sự lo lắng còn tăng lên gấp bội.
Chị Nguyễn Thị Hòa (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 5 chia sẻ: “Thời điểm này con vẫn chưa được thi học kỳ kết thúc năm học khiến tôi như ngồi trên đống lửa. Nếu dịch bệnh cứ tiếp tục diễn biến phức tạp như thế này, việc thi học kỳ không biết đến bao giờ thực hiện được thì phải làm sao trong khi điểm thi cuối học kỳ của con rất quan trọng đối với bước đường học tập của cháu sau này. Đó là căn cứ để con tôi dự tuyển vào lớp 6”.
Ghi nhận tại các nhà trường, sau 1 năm vừa học vừa chống dịch, các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã quá quen với việc triển khai học trực tuyến. Các giáo viên đều trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Mặc dù nhà trường vẫn đang chờ phương án thi học kỳ theo chỉ đạo chung của toàn quận nhưng trong thời điểm học sinh đang học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay, chỉ nên kiểm tra, đánh giá những kiến thức trọng tâm trong nội dung giảng dạy.
Bài kiểm tra có thể hạn chế những câu đòi hỏi vận dụng cao, nhưng vẫn phải đảm bảo các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng.
Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể vào tuần tới
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Nếu trong vòng 1 tuần không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, dịch được kiểm soát tốt thì vẫn có thể tổ chức cho học sinh quay trở lại trường. Do đó, các trường vẫn triển khai dạy và ôn tập bằng hình thức trực tuyến, còn chưa vội tổ chức kiểm tra cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến. Song, các trường vẫn chuẩn bị sẵn sàng với các phương án thi học kỳ”.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, dự kiến trong tuần tới, Sở mới có thể ra hướng dẫn, bởi Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có nội dung kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến, đến ngày 16/5 mới bắt đầu có hiệu lực.
Đối với việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh ông Tiến cho hay các trường vẫn có thể thực hiện bình thường trong quá trình dạy học trực tuyến.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay, nếu như lệ thường, theo quy định, học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ GD&ĐT.
Song, trong trường hợp bất khả kháng mà học sinh không thể đến trường để tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II như thường lệ, thì hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến. Khi tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến, nhà trường phải có biện pháp để đảm bảo tính chính xác, công bằng, trung thực, khách quan. Bài kiểm tra phải đúng do học sinh thực hiện, đánh giá được đúng năng lực của học sinh.
Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT có quy định rõ các hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ như thực hiện bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; bài thực hành; dự án học tập. Tùy điều kiện của các nhà trường đối với từng môn học mà hiệu trưởng quyết định áp dụng hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ nào phù hợp, đảm bảo khách quan, trung thực.
Nếu kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến, đề thi phải thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực học sinh, có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của các em. Đối với việc kiểm tra đánh giá bằng bài thực hành, dự án học tập, học sinh phải tự trình bày báo cáo qua hình thức trực tuyến để giáo viên có thể phỏng vấn qua mạng nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh.