Hai bệnh nhân ghép tim, gan của Bệnh viện Việt Đức đã xuất viện
(TTTĐ) Ngày 28/9, theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Việt Đức, hai bệnh nhân ghép tim và ghép gan với nguồn nội tạng được chuyển từ vượt quãng đường TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội được xuất viện với sức khỏe ổn định.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết-nguyên Giám đốc BV Việt-Đức cho biết, dù nguồn tạng được vận chuyển rất xa, các bác sĩ không khỏi lo lắng cho sự thành công của ca ghép nhưng cá nhân tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối ca ghép sẽ thành công. Bởi hiện chúng ta đã có đầy đủ yếu tố, gồm: nhân lực, khoa học kỹ thuật, thuốc men, nhất là sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị y tế.
PGS.TS Nguyễn Tiết Quyết cũng cho rằng, thời gian mổ ghép gan khoảng 7,5 tiếng, ghép tim chỉ hơn 6 tiếng. So với trên thế giới, trung bình một ca ghép tim, gan là 10 tiếng. Điều này cho thấy, kỹ thuật của các thầy thuốc Việt Nam không thua kém thế giới. “Tuy nhiên, kinh nghiệm của nước ta vẫn thua kém thế giới. Ở những trung tâm ghép tạng lớn của thế giới, ghép tới 2.500-3.000 ca, vì vậy họ có rất nhiều kinh nghiệm”, PGS.TS Quyết chia sẻ.
Còn đối với PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim và lồng ngực (BV Việt-Đức) không thể nói hết niềm sung sướng khi bệnh nhân của mình được cứu sống. PGS.TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ, bệnh nhân Nguyễn Văn Hải (37 tuổi) bị bệnh cơ tim giãn nặng, được ghép tim tại BV vào lúc 22h30 phút ngày 4-9. Khi đến với chúng tôi, trên người anh Hải không còn chỗ nào nguyên vẹn, chi chít những vết tiêm truyền, kim chọc bởi quá trình điều trị trước đó. Sự sống của anh thời điểm đó chỉ tính bằng tuần, ngày.
Điều đặc biệt trong ca ghép tim cho bệnh nhân Nguyễn Văn Hải, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, đó là thời gian chuẩn bị cho không hề nhiều, chỉ trong 1 ngày, trong khi các bệnh nhân ghép tim khác, có người được chuẩn bị tới 2 tháng trời.
"Thường những ca ghép trước, chúng tôi lấy tim ra khỏi người hiến , mất khoảng 15 -30 phút để chuyển sang ghép vào trong người nhận. Thời gian thiếu máu cho cơ tim chỉ xung quanh 2 tiếng đồng hồ. Chất lượng quả tim tốt. Nhưng với quả tim này, chúng tôi phải lấy tại BV Chợ Rẫy, chuyển qua đường hàng không dân dụng, thời gian thiếu máu dài gấp 3 lần thời gian bình thường, dài nhất so với các ca ghép trước đây. “Chúng tôi đã phải liên tục bơm dung dịch bảo vệ cơ tim (bình thường là 4-5 tiếng bơm 1 lần thì ca này phải bơm 2 tiếng/lần) để tăng chất lượng quả tim. Đến khi ghép xong, chúng tôi phải dùng thuốc trợ tim 2 lần trong 5-6 ngày, trong khi bình thường chỉ cần dùng thuốc 1 lần/3 ngày”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói.
Xúc động chia sẻ tại buổi lễ ra viện, bệnh nhân Nguyễn Văn Hải chia sẻ "từ khi ghép tim xong, tôi cảm tưởng như người bình thường, trước đó do bị suy tim nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi vô cùng biết ơn người hiến tặng trái tim cho tôi và cảm ơn tinh thần hết lòng vì người bệnh của các y bác sĩ".
Còn bệnh nhân Trần Ngọc Hải (người được ghép gan) đã cố ngăn dòng nước mắt khi trả lời từng câu hỏi của các bác sĩ và nhà báo. Bệnh nhân 59 tuổi này có tiền sử viêm gan B 20 năm, không điều trị, phát hiện ung thư gan nguyên phát từ tháng 7/2014.
Khi nhận được điện thoại của các bác sĩ tại Trung tâm Điều phối hiến, ghép tạng Quốc gia về việc ghép tạng, anh đã lập tức đồng ý và cầm hồ sơ nhập viện. Điều này cho thấy, bản thân bệnh nhân đã có niềm tin tưởng tuyệt đối vào kỹ thuật ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam.
Phương Thu