Hàng trăm điểm cầu toàn quốc thảo luận về chẩn đoán, điều trị sởi
Phần lớn trẻ mắc sởi tại Việt Nam đều chưa tiêm phòng sởi
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Hà Anh Đức nhấn mạnh, từ cuối năm 2024 đến giờ bệnh sởi diễn biến gia tăng và kéo dài ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý 1 năm 2025 so với năm 2024 và đã có một số trường hợp người bệnh tử vong liên quan đến bệnh sởi.
![]() |
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Hà Anh Đức |
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi và Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15/3/2025 về việc về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi. Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đã có văn bản gửi các đơn vị về tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sởi cũng đã được Bộ Y tế ban hành cách đây 11 năm (Quyết định số1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Sau 11 năm, đã có nhiều cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi trên thế giới, nhất là các đồng thuận sử dụng thuốc trong điều trị bệnh sởi, đặc biệt về chỉ định sử dụng Immunoglobulin (IVIG) đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi, phụ nữ mang thai và chưa được tiêm chủng…
Theo hướng dẫn, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do virus sởi gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, virus sởi được phân thành 8 nhóm (A-H) và 23 kiểu gen, hỗ trợ theo dõi sự lây lan dịch bệnh.
Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Chẩn đoán bệnh sởi thường dựa vào xét nghiệm kháng thể IgM, trong đó 50-70% trường hợp dương tính ngay từ ngày đầu phát ban và đạt 100% sau 3 ngày phát ban.
Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ: Vắc xin phòng sởi có hiệu quả phòng bệnh cao, phần lớn trẻ mắc bệnh sởi là chưa tiêm phòng vắc xin sởi. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh, nhưng tỷ lệ mắc sởi hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn được WHO quan tâm, tiếp tục coi là vấn đề y tế toàn cầu.
Những điểm mới cập nhật trong Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi
TS.BS Đức nhấn mạnh một số điểm mới của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Thứ nhất, hướng dẫn yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán sởi gồm: Xét nghiệm cơ bản: Bổ sung thêm xét nghiệm khí máu động mạch khi có suy hô hấp; yêu cầu xét nghiệm đánh giá đáp ứng viêm: Ferritin, LDH, interleukin khi sởi có biến chứng nhiễm khuẩn nặng;
Việc xét nghiệm phục vụ chẩn đoán nhiễm sởi: bổ sung thêm "Nếu xét nghiệm IgM sởi âm tính mà triệu chứng lâm sàng vẫn nghi ngờ sởi thì có thể làm lại lần 2 sau 72 giờ, hoặc chỉ định PCR sởi qua bệnh phẩm dịch tỵ hầu" và "Phân lập vi rút từ máu và dịch mũi họng trong giai đoạn sớm của bệnh".
![]() |
Hội nghị nối điểm cầu Bộ Y tế đến hơn 500 điểm cầu Sở Y tế tỉnh, thành phố; các bệnh viện... |
Thứ hai, hướng dẫn cũng yêu cầu đánh giá yếu tố nguy cơ bệnh sởi diễn tiến nặng. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: trẻ < 12 tháng; người chưa tiêm phòng vaccine hoặc tiêm không đầy đủ; suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh nền nặng; suy dinh dưỡng nặng; thiếu vitamin A; phụ nữ mang thai;
Thứ ba, hướng dẫn cách xác định ca bệnh nghi ngờ mắc sởi khi có các dấu hiệu: Tiền sử tiếp xúc với người bệnh sởi trong vòng 7-21 ngày hoặc sống trong vùng dịch sởi lưu hành Triệu chứng lâm sàng nghi ngờ sởi (sốt và viêm long đường hô hấp trên);
Thứ tư, hướng dẫn chẩn đoán ca bệnh sởi trên lâm sàng khi người bệnh có các triệu chứng: Sốt, ho, chảy nước mũi hoặc viêm kết mạc; có hạt Koplik hoặc phát ban dạng sởi;
Thứ năm, hướng dẫn trên cập nhật tiêu chuẩn chẩn đoán xác định bệnh sởi: Ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh lâm sàng mắc sởi, và có xét nghiệm kháng thể IgM hoặc PCR dương tính với sởi (trước đây tiêu chí chẩn đoán xác định dựa trên yếu tố dịch tễ, dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm có kháng thể IgM đối với virus sởi;
Thứ sáu, hướng dẫn của Bộ Y tế cũng bổ sung chẩn đoán phân biệt sởi với một số bệnh, bao gồm: bệnh do Mycoplasma pneumoniae, bệnh sốt mò, nhiễm virus Epstein-Barr, viêm màng não mủ; hướng dẫn chi tiết về điều trị biến chứng viêm phổi ở người bệnh sởi: trong đó chi tiết về các liệu pháp hỗ trợ hô hấp theo các mức độ suy hô hấp, có lưu đồ hướng dẫn cụ thể; hướng dẫn chi tiết về chỉ định và liều sử dụng globuline miễn dịch đường tĩnh mạch (IVIG);
Ngoài ra, về chỉ định sử dụng globuline, hướng dẫn nêu rõ: Khi tình trạng nhiễm trùng nặng kèm theo bằng chứng tăng đáp ứng viêm; Suy hô hấp tiến triển nhanh; Viêm não. Hướng dẫn về liều dùng: IVIG tĩnh mạch 0,25 g/kg/ngày x 3 ngày liên tiếp (tổng liều có thể 1g/kg, dùng từ 2-4 ngày). Truyền tĩnh mạch chậm trong 8-10 giờ;
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng phân cấp chuyên môn trong khám, chữa bệnh sởi; trong đó trạm y tế xã, phường và phòng khám sẽ khám và điều trị ngoại trú người bệnh sởi không biến chứng; thực hiện chuyển cơ sở khác để điều trị đối với bệnh sởi có biến chứng hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng;
Bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tư nhân khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng; cuyển cơ sở khác điều trị khi vượt quá năng lực: Với người bệnh sởi có biến chứng viêm phổi cần thở oxy, viêm não, nhiễm khuẩn huyết hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng;
Bệnh viện đa khoa tỉnh, đa khoa khu vực, bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa Nhi khám và điều trị người bệnh sởi tất cả các trường hợp. hội chẩn, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác điều trị các trường hợp nặng hoặc khó điều trị.
Mặt khác, hướng dẫn của Bộ Y tế cũng bổ sung một số nội dung: Chăm sóc điều dưỡng; dự phòng và kiểm soát lây nhiễm: Như cách ly dài hơn đối với người bệnh sởi có suy giảm miễn dịch; dự phòng sau phơi nhiễm: Tiêm vắc xin, sử dụng Immune Globulin (IG) đường truyền tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, chỉ định Immune Globulin dự phòng sau phơi nhiễm cho một số trường hợp đặc biệt: người suy giảm miễn dịch nặng, trẻ em dưới 9 tháng có bệnh lý nền nặng đang tiến triển, xem xét chỉ định đối với phụ nữ mang thai.
Tin liên quan
Đọc thêm

Chàng trai nặng tới 175kg rơi vào tình trạng ngừng thở khi ngủ

Người đàn ông trung niên đột tử sau khi chơi tennis

Uống thuốc nam chứa chất cấm, bệnh nhân hôn mê, suy đa tạng

Chủ động phòng chống các dịch bệnh sởi, tay chân miệng... đang gia tăng

Niêm yết công khai 108 thủ tục hành chính

Tỷ lệ hài lòng của người bệnh trong quý I/2025 là 97,21%

Cả nước triển khai tiêm vét vắc xin phòng sởi đầu tháng 4

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2025

Phẫu thuật cấp cứu bóc u buồng trứng xoắn cho thai phụ 22 tuổi
