HĐND ngày càng khẳng định vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong giai đoạn tới; Đồng thời tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị |
Đây là hội nghị là lần thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trong nhiệm kỳ 2021-2026. Khác với lần thứ nhất, việc tổng kết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 3 hội nghị ở 3 vùng miền: Khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực phía Nam nhưng hội nghị hôm nay có sự tham dự đầy đủ của Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Rà soát lại 8 nội dung cần thực hiện trong năm 2022 mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2022, HĐND đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn ở từng địa phương; Bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chỉ đạo Hội nghị. |
Tại hội nghị này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho hay, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 10,28%; Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng (đứng thứ 7 cả nước), gấp 2,36 lần so với 2015, gấp 4,88 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc); Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; Tỉ lệ đô thị hóa đạt 67% (đứng thứ 5 cả nước).
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu chào mừng hội nghị |
Trong điều kiện một tỉnh cơ cấu xã hội biến đổi rất nhanh, HĐND đã luôn thể hiện được tiếng nói đa dạng của các tầng lớp Nhân dân. Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng đặt ra nhiều yêu cầu rất mới về quản trị địa phương khu vực đô thị gắn với đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm của hệ thống chính trị địa phương. Ở đó HĐND là một thiết chế cực kỳ quan trọng, phải tham dự tích cực vào các vấn đề hệ trọng, nhất là giữa bảo đảm tính thống nhất quản lý Nhà nước với phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giữa phát huy vai trò của người đứng đầu tổ chức Đảng với người đứng đầu HĐND khi một người đồng thời đảm nhiệm; Giữa siết chặt kỷ cương, kỷ luật với khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Ông Nguyễn Xuân Ký đánh giá HĐND đã và đang thể hiện ngày càng rõ là một thiết chế cực kỳ quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một bộ phận cấu thành của nền quản trị địa phương hiện đại, dân chủ, năng động, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.
Nhiều năm liền, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Trong đó, vai trò của HĐND các cấp rất quan trọng.
Quang cảnh hội nghị |
Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND; Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.
Kết quả các hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.