Hiểm họa cháy nổ tại chung cư mini: "Bịt lỗ hổng" pháp lý, tìm lối thoát cho dân
Bài 1: Nhu cầu lớn, rủi ro "giặc lửa" rình rập cao
Nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao, chung cư mini vì thế “mọc lên như nấm”. Thế nhưng, mô hình này đang bộc lộ rất nhiều bất cập, đặc biệt công tác phòng, chống cháy nổ chưa được quan tâm, gây ra nhiều nguy hiểm cho những người dân sống tại đây.
Những hồi chuông gióng hoài chưa dứt
Tốc độ đô thị hóa nhanh, cư dân từ khắp nơi đổ về các thành phố lớn, mật độ đông đúc khiến nhu cầu về nhà ở ngày càng bức thiết. Các chung cư, chung cư mini mọc lên như nấm ở khắp nơi. Tuy nhiên, vì phải xây dựng nhanh để đáp ứng nhu cầu của người dân, chủ đầu tư vô tình hoặc cố ý bỏ qua vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy. Nhiều công trình chưa được nghiệm thu vẫn đưa vào sử dụng, khiến cư dân phải đối diện với nỗi lo hỏa hoạn thường trực.
Vụ cháy diễn ra vào đêm 12/9, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng này. Đây là một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư mini, số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, có diện tích chừng 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
Hiện trường vụ cháy tại chung cư mini phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội đêm 12/9 |
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, lãnh đạo thành phố, lực lượng Công an thành phố, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường và chỉ đạo, thực hiện các phương án cứu hộ, cứu nạn. Đến 5h ngày 13/9, thống kê sơ bộ cho biết đã thực hiện cứu nạn thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người.
Trước đó, vào cuối năm 2022, một vụ cháy lớn cũng xảy ra tại toà nhà chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Xe chữa cháy khó tiếp cận hiện trường nên lực lượng chức năng phải dẫn vòi rồng vào ngõ sâu để dập lửa chung cư mini số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ |
Theo đó, lửa bốc lên từ tầng 1 của ngôi nhà nằm trong ngõ 132 Cầu Giấy, khi người dân phát hiện đã gọi báo cháy cho những người trong nhà thoát ra và nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa. Cùng với đó, người dân đã báo cho Công an phường, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an TP Hà Nội. Nhờ vậy, 11 người đã được giải cứu kịp thời.
Điều đáng nói, ngôi nhà xảy ra cháy cao 6 tầng 1 tum. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã phải tiếp cận công trình từ sân thượng nhà liền kề, sử dụng phương tiện cắt khung sắt tiếp cận khu vực có người bị nạn đưa ra khỏi đám cháy.
Lực lượng chức năng nỗ lực cứu các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân |
Nhà chung cư mini này cũng giống rất nhiều các nhà chung cư mini khác, thường là những căn hộ khép kín, các ban công hay tum đều có khung sắt nhằm chống trộm. Đây là chung cư mini “không lối thoát” bởi các công trình này đều được xây khép kín, không cầu thang thoát hiểm, không hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Các cửa chính, cửa sổ đều vô cùng kiên cố. Ban công được rào kín bằng khung sắt nên nếu xảy ra hỏa hoạn thì việc thoát khỏi nơi đây gần như “bất khả thi”.
"Đi thì dở mà ở thì lo"
Theo Luật Nhà ở 2014, nhà chung cư mini là nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ hai tầng trở lên và tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng có từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng), có diện tích sàn tối thiểu mỗi căn hộ từ 30m2 trở lên và nhà ở này đáp ứng các điều kiện theo Luật.
Chung cư mini “kín bưng” gây khó khăn trong việc thoát nạn khi có hỏa hoạn |
Đây là loại hình nhận được sự lựa chọn nhiều của các gia đình trẻ hoặc những người chưa có điều kiện mua nhà hay chung cư có diện tích lớn hơn. Yếu tố đầu tiên là rẻ và tiện lợi.
Chị Hồng Mai ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi ra Hà Nội làm việc, thuê nhà trọ rất khó. Chỗ thì xập xệ quá, chỗ thì đắt đỏ quá. Chỉ có chung cư mini là phù hợp nhu cầu sinh sống và tình hình tài chính của một nhân viên có mức lương hơn 10 triệu đồng như tôi. Mặc dù cũng thấy bí bách và lo sợ sau nhiều vụ cháy nhưng không còn lựa chọn nào tốt hơn”.
Cùng chung hoàn cảnh, anh Văn Việt ở Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Đọc thông tin vụ cháy hôm qua ở Khương Đình, thấy sợ quá. Nhà tôi cũng đang ở chung cư mini. Hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, lương thấp. Tiền mua nhà chưa có, thuê phòng trọ thì phải sắm nhiều đồ, thuê chung cư mini đã có sẵn một phần nội thất, đồ dùng mà giá cả cũng phù hợp nên đây là lựa chọn tối ưu rồi. Giờ có lo sợ thì cũng không biết làm thế nào, chỉ mong cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, xử lý làm sao để người dân an tâm hơn”.
Thực tế, việc quản lý chung cư mini hiện nay còn những khoảng trống pháp lý, gây ra nhiều bất cập, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy.
Luật nhà ở quy định: Căn hộ của nhà chung cư mini được xây dựng theo Giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch xây dựng đô thị đối với khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng thì được cấp Giấy chứng nhận.
Hầm để xe của một chung cư mini trên đại bàn Hà Nội |
Tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát nhiều nơi còn buông lỏng. Theo Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP “Quy định cho tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy, chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy, chữa cháy” thì nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; Nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên phải buộc có giấy phép về phòng cháy, chữa cháy.
Thực tế vẫn tồn tại những chung cư chưa cao đến 7 tầng và tổng khối tích chưa đến 5.000m3 vẫn đang hoạt động và nằm ngoài các quy định.
Theo các chuyên gia nhiều nhà chung cư mini tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, song mô hình này vẫn xếp vào loại nhà ở hộ gia đình và được thực hiện rà soát, kiểm tra theo kế hoạch 209 của UBND TP Hà Nội về việc tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy theo diện nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh. Trên thực tế đó là chung cư bởi vì có hàng chục hộ dân, có mua bán, trao đổi, cho thuê nhưng lại không được thẩm duyệt an toàn phòng cháy, chữa cháy khi xây dựng. Lỗ hổng này dẫn đến việc chấp hành quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy ở đây rất hạn chế, thậm chí chủ nhà không chấp hành khi kiểm tra hoặc tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, vô hình chung đã đẩy nhiều người mua vào thế bí “đi không được mà ở thì không yên tâm”.
Nhiều ý kiến từng khuyến nghị người dân tẩy chay chung cư mini. Tuy nhiên đây là nhu cầu có thật của một bộ phận người dân. Vì vậy, thay vì khuyến cáo tẩy chay thì cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý, đồng thời rà soát các quy định còn bất cập liên quan đến chung cư mini để có phương án xử lý phù hợp; Từ đó vừa đáp ứng được nhu cầu sinh sống của người dân, vừa giúp người dân không lâm vào cảnh “đi thì dở, ở thì lo” bởi hiểm hoạ cháy nổ thường trực.
(Còn nữa)