Hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS
Chọn tổ hợp lớp 10 cần cân nhắc kỹ định hướng nghề, năng lực Nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 |
Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) là giải pháp tích cực nhằm góp phần thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp khả năng, điều kiện kinh tế, năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh cũng như nhu cầu xã hội.
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã tăng cường đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh cuối cấp THCS.
Học sinh học lớp Tin học văn phòng tại trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội |
Trước đây, hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đều mong muốn được tiếp tục học lên trung học phổ thông, rồi thi vào đại học nhưng những năm gần đây, nhu cầu học tập của học sinh dần thay đổi. Đặc biệt, trước áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trường nghề trở thành lựa chọn được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm.
Là học sinh năm cuối của Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội, em Đoàn Huy Phong - học sinh khoa Điện khoá 15 thổ lộ: “Lựa chọn khi tham gia học song bằng tại nhà trường rất phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình em. Không chỉ giảm chi phí học tập, vừa học vừa làm, sau khi tốt nghiệp THPT em có thể đi làm chuyên môn mà em đã được đào tạo, có thu nhập mà không phải đi học thêm”.
Học sinh lớp Kế toán doanh nghiệp trong giờ học |
Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội, nhà trường đã áp dụng phương châm đào tạo gắn kết với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội và xu thế phát triển công nghệ khoa học kỹ thuật.
Mỗi giáo viên luôn phải cập nhật kiến thức, kỹ năng và công nghệ mới để nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp học sinh không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có kỹ năng mềm, kỹ năng số và trình độ ngoại ngữ để thích nghi với môi trường làm việc quốc tế.
“Ngoài ra, việc hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Thông qua các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp, học sinh có thể học hỏi và nắm bắt các yêu cầu của nhà tuyển dụng, giúp họ sẵn sàng làm việc ngay khi tốt nghiệp.
Học sinh trong giờ thực hành Điện |
Nhà trường cũng thường xuyên cải tiến phương pháp và nội dung đào tạo dựa trên sự góp ý của doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng đào tạo luôn đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động”, ông Nguyễn Đức Dũng - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội nhấn mạnh.
Chương trình 9+ là mô hình đào tạo song song (học nghề trình độ trung cấp và học văn hóa phổ thông chương trình giáo dục thường xuyên) dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Sau 3 năm theo học Chương trình 9+, học sinh đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp và tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia để được xét tốt nghiệp THPT. Học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề có thể đi làm theo chuyên ngành được đào tạo, hoặc nếu có nhu cầu thì học liên thông lên các trình độ cao đẳng, đại học theo quy định. |