Hoàn thiện chính sách pháp luật trong công tác thi hành án dân sự
Tại hội nghị, hơn 100 cử tri đại diện cho các cơ quan thi hành án dân sự, công an, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân thành phố và quận, huyện, thị xã đã đóng góp các ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án như: cần sớm có quy định cụ thể về việc sử dụng phạm nhân lao động phục vụ các phạm nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội; có chính sách đãi ngộ phù hợp với tính chất phức tạp của công việc thi hành án dân sự nhằm thu hút được người có năng lực vào làm việc trong cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, có chế độ phụ cấp đối với công chức chưa được hưởng phụ cấp đặc thù như chuyên viên, kế toán viên…
Theo đại diện Tòa án Nhân dân thành phố, hiện nay, trong quá trình thực hiện các thủ tục thi hành án có các vướng mắc trong việc ủy thác thi hành án, theo dõi người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ và đình chỉ thi hành án, hoãn thi hành án. Vì vậy, cần có thông tư liên tịch giữa Tòa án Nhân dân tối cao với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an để xác định từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn về ủy thác thi hành án, cần có quy định chi tiết khi ủy thác thi hành án gồm có những tài liệu nào, hay việc theo dõi người bị thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, được hoãn thi hành án, được tạm đình chỉ thi hành án phải được giao trách nhiệm cho công an cấp xã, phường chịu trách nhiệm theo dõi, định kỳ kiểm tra.
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam, Luật Thi hành án dân sự đang có nhiều bất cập, số lượng việc và tiền tồn rất lớn, nhất là việc đấu giá tài sản của ngân hàng, án tham nhũng, án ma túy… nhưng việc xem xét giảm, xóa án rất khó. Hay việc kê biên tài sản cũng rất vướng mắc, mô hình trại giam rất cũ, bất cập. Vì vậy, cần rà soát lại toàn bộ các văn bản hướng dẫn luật, phải lắp hệ thống camera toàn bộ các phòng hỏi cung. Những bất cập trong xóa án tích, cải tạo không giam giữ, kê biên tài sản, tổ chức cưỡng chế thi hành án… phải được sửa trong luật, hoặc có văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp thu toàn bộ các kiến nghị, giao Văn phòng Đoàn ĐBQH TP nghiên cứu, phân loại chuyển từng cấp, từng ngành xem xét giải quyết, đồng thời, gửi toàn bộ các vị đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để nghiên cứu.
Đối với các kiến nghị của thành phố, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc giao UBND TP rà soát lại các văn bản về chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, đánh giá những nơi làm tốt, chưa tốt. Đồng thời, UBND TP chỉ đạo tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp về các văn bản, lĩnh vực thi hành án để người dân thực hiện nghiêm túc, hướng tới tất cả phải thực hiện theo luật.