Học ôn thi tràn lan: Tốn thời gian, không hiệu quả
![]() |
Nhiều học sinh hoang mang
Những ngày ôn thi cuối cùng, đôi lúc nhiều học sinh cảm thấy chán nản, hoang mang vì không biết mình đã ôn luyện đủ hay chưa. Những thông tin “gây nhiễu” về cách học tủ, phán đoán đề thi được chia sẻ rộng rãi trên mạng khiến nhiều em băn khoăn. 12 năm cắp sách đến trường quyết định đỗ hay trượt trong mỗi bài thi chỉ có khoảng một, hai tiếng.
Nguyễn Thanh Huệ, học sinh lớp 12 trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, kỳ thi năm nay, mục đích của Huệ là vào đại học, nên Huệ tập trung nhiều cho các môn bắt buộc bởi đây là các môn có thể tham gia xét tuyển vào các trường đại học. Thời gian này Huệ tập trung cao điểm để ôn tập, ngoài ôn ở trường, đi học thêm ở trung tâm, học thêm gia sư, Huệ còn thức thâu đêm để ôn bài. “Năm nay, thầy cô bảo đề thi minh họa khó hơn năm ngoái, kiến thức lại rộng hơn vì có cả kiến thức lớp 11 nên em phải dành nhiều thời gian để ôn tập”, Huệ cho biết.
![]() |
Trần Thành Quang, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành ước mơ vào trường Đại học Ngoại thương nói: “Em biết sức học của mình cần phải nỗ lực mới có kết quả. Vậy là ban ngày em đi học tại trường và trung tâm luyện thi, đêm về em “cày” bài tập. Chỉ trong 2 tháng mà nhìn em gầy sọp hốc hác, chán ăn, mệt mỏi… Em gần như không giao tiếp với ai, đi học về là em vào phòng của mình chốt cửa và… học. Thiếu ngủ nên nhiều khi kiến thức bị nhớ nhớ quên quên, không tập trung nổi. Em đã phải bỏ ra hai ngày chỉ để nghỉ ngơi, sau khi ngủ đủ giấc, em thấy tỉnh táo và minh mẫn hẳn”, Quang chia sẻ.
Áp lực thi cử cùng số lượng bài vở quá nhiều khiến cho học sinh, sinh viên trong mùa thi phải tranh thủ học ngày học đêm. Tuy nhiên, việc thức quá khuya, thâu đêm để học không những không mang lại hiệu quả cao trong kì thi, mà nó còn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tinh thần và thể chất của các sĩ tử.
Thức thâu đêm thường kém sáng suốt…
Nhiều bạn cho rằng học thâu đêm là một biện pháp hữu hiệu để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, những người thiếu ngủ thường xuyên có các biểu hiện nhớ sai và nhầm lẫn nhiều hơn bình thường. Thời gian ngủ ngắn chắc chắn ảnh hưởng đến khả năng tập trung và do vậy, ảnh hưởng đến thành tích trong các kì thi. Suy giảm trí nhớ là hậu quả tất yếu của việc suy giảm hoạt động của não bộ. Thông thường một ngày cần 8 giờ nghỉ ngơi giúp khôi phục hoạt động của não bộ sau một ngày lao động mệt mỏi. Vì vậy, cho dù các bạn học sinh có căng thẳng bài vở đến đâu thì cũng cần thu xếp thời gian thích hợp để làm việc dưới ánh đèn vào buổi tối không nên quá 2 giờ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Ngoài tác động đến hệ thần kinh, việc thức khuya kéo dài còn ảnh hưởng đến một số bệnh khác như: Các bệnh về mắt như khô mắt, nhức mỏi mắt, đau mắt, loạn thị… cũng ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập. Khi thức khuya, các em dễ bị rối loạn nhịp sinh học ngày đêm, đặc biệt những em dùng các chất kích thích như cà phê, trà đặc kéo dài dễ sinh ra trạng thái suy nhược thần kinh sau đó như ù tai, chóng mặt, hay nóng nảy, khó tập trung, cơ thể mệt mỏi, hay bị chuột rút, các chứng rối loạn nhịp tim như nhịp tim nhanh, hồi hộp trống ngực…
Thời gian ngủ ít hơn thì nguy cơ bị bệnh tim cao hơn so với những người bảo đảm thời gian ngủ. Thậm chí thức khuya trong thời gian dài dẫn đến cơ thể bị stress liên tục, dễ dẫn đến nguy cơ của các chứng bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp…
Do đó, dù thời gian đã gấp gáp cho kì thi sắp tới, các sĩ tử cùng gia đình hãy biết cách sắp xếp và cân đối thời gian giữa việc học và việc nghỉ ngơi thư giãn. Điều này không những có lợi cho sức khỏe thể chất mà còn giúp cho các sĩ tử có một tinh thần thoải mái bước vào kì thi và đạt được kết quả tốt nhất.
Không phải học nhiều là có hiệu quả
Đừng nghĩ rằng học thật nhiều sẽ giúp bạn có một kết quả cao trong kì thi THPT năm 2018, điều mấu chốt là bạn cần học đúng, học chắc và học có trọng tâm.
Chu trình sáng đi học, chiều đi học, tối về lại đi học khiến học sinh không có ngày nghỉ, đi học thêm như đi “chạy sô”, chính điều này không những không đem lại kết quả học tập tốt nhất cho thí sinh mà còn ảnh hưởng tới chất lượng học tập cũng như kết quả của kì thi THPT Quốc gia năm 2018.
Theo thầy Lại Tiến Minh - giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội - trong những ngày “nước rút”, thí sinh cần chia thành các giai đoạn nhỏ. Đầu tiên, các em nên lướt lại toàn bộ kiến thức cần thiết cho kì thi, có thể xây dựng dưới dạng sơ đồ, sau đó xem phương pháp của mỗi dạng bài, câu hỏi. Sau đó, học sinh cần luyện đề tổng hợp để tự mình đánh giá kiến thức của bản thân, cũng như rèn kĩ năng làm bài. Khi đi thi, thí sinh đừng nghĩ mình sẽ được bao nhiêu điểm mà hãy nghĩ mình sẽ cố gắng như thế nào. Áp lực về điểm số là một trong những nguyên nhân khiến nhiều em có tâm lí mất tự tin, căng thẳng.
Trong quá trình ôn tập, học sinh lưu ý điểm Toán trắc nghiệm cao không phải nhờ mẹo hay thủ thuật giải, mà là tư duy. Khi làm bài cần nhớ không để sai sót trong bài dễ với bài khó, nhớ kiểm tra lại bài trước khi rời phòng thi.
Vẫn biết rằng việc cố gắng học tập sẽ đem lại hiệu quả khá lớn trong việc ôn luyện chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới nhưng nếu thí sinh đó không chủ động quá trình ôn tập của mình thì lúc nào cũng trong tình trạng bị động, lâu dần sẽ dẫn đến lười tư duy, ít chịu khó suy nghĩ. Đi học thêm quá nhiều không những tiêu tốn thời gian của thí sinh mà còn khiến các bạn mất đi thời gian vui chơi và sinh hoạt, điều này khiến các thí sinh vô cùng mệt mỏi dẫn đến kết quả học tập không cao.
Nhiều giảng viên đại học cho rằng, học ít hay học nhiều không quan trọng bằng cách học ra sao và kết quả học tập như thế nào. Học nhiều nhưng học nhồi nhét, học thụ động sẽ khó có hiệu quả cao. Do đó, phụ huynh cần cân nhắc việc cho con đi học thêm như thế nào cho cân đối, để con có thời gian tự học, tự trau dồi lại kiến thức, đây mới chính là cách học tập tốt nhất, ghi nhớ được kiến thức lâu nhất dành cho học sinh.
Đi thi giành tấm vé vào đại học thì ai mà chẳng muốn đỗ. Tuy nhiên tấm vé vào cổng trường đại học thì rất ít và chỉ dành cho những ai có năng lực tốt và có phương pháp học tập hiệu quả. Nắm được phương pháp học có khoa học, các thí sinh sẽ dễ dàng tiếp thu hết chương trình các môn học, đồng thời biết cách trình bày ra thành bài thi có hiệu quả, đạt điểm số cao.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bệ phóng cho khát vọng chinh phục thị trường kinh tế toàn cầu

Hà Nội tạm dừng hoạt động trung tâm dạy thêm không đúng quy định

Sôi động liên hoan tài năng sinh viên Đại học Đà Nẵng

Học sinh Trường THPT Việt Đức giành giải Nhì SV-Startup 2025

Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội xác minh, xử lý nghiêm

Đã có trên 800 nghìn thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT

Không chủ quan trong phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước

Đội tuyển học sinh Ninh Thuận đăng quang "Đường đến thành công"

TP HCM: Cụm trường học chuẩn quốc gia chính thức đi vào hoạt động
