Hội xuân Giáp Thìn 2024 đậm bản sắc văn hóa Tết
Ngắm gì, chơi gì tại Hội chợ Xuân 2024 lớn bậc nhất Việt Nam? “Tết đồng bào” lan tỏa bản sắc văn hóa vùng cao “Gặp em ngày nắng” mang đến thông điệp về tình thân dịp Tết |
Nổi bật là Triển lãm “Vũ điệu Bách Long” của nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên, trưng bày 100 tác phẩm độc bản thể hiện linh vật rồng bằng gốm phù điêu, vừa tái hiện văn hóa truyền thống thuần Việt, vừa thể hiện khát vọng bình yên của con người trước sức mạnh của thiên nhiên.
Hội Xuân Giáp Thìn 2024 với các nội dung, hoạt động phong phú mang đậm bản sắc văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc |
Hình tượng rồng trên gốm không hiếm nhưng rồng trên gốm phù điêu lại mang nét ấn tượng riêng. Đây là dòng gốm đắp nổi có từ thời Mạc, với nhiều loại men và hoa văn độc đáo, thuần Việt. Bằng tâm huyết của một nghệ nhân, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã thành công trong việc khôi phục dòng gốm này.
Mỗi tác phẩm là lời tâm tình của đất, của lửa, của nước... từ đất vô tri hóa hình thành những linh vật biết nói, từ những trăn trở thành niềm vui khi tác phẩm hoàn thành. Triển lãm “Vũ điệu Bách Long” giới thiệu đến công chúng 3 loại chính của linh vật Rồng đắp phù điêu trên các dáng độc bình khác nhau với nhiều kích cỡ khổ lớn.
Triển lãm cũng trưng bày “Rồng hóa” bằng cách điệu vóc dáng qua bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông gắn với những vẻ đẹp của bốn loại cây và hoa (tùng, cúc, trúc, mai) và điêu khắc rồng mang các thông điệp ý nghĩa thể hiện khát vọng bình yên, gửi gắm ước mong phúc khí, thời vận đi lên mong muốn của con người về những điều may mắn tốt đẹp.
Tại Hội xuân Giáp Thìn 2024, cũng giới thiệu tranh vẽ rồng của họa sĩ Hoàng Trúc trên chất liệu mo cau, đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỉ lục là bộ sưu tập tranh chủ đề Rồng vẽ trên chất liệu mo cau nhiều nhất ở Việt Nam.
Đến nay, họa sĩ đã có 1.789 bức tranh mo cau trong đó có 1.324 bức tranh vẽ hình rồng. Nhân dịp này, họa sỹ Hoàng Trúc lựa chọn 600 tác phẩm từ bộ sưu tập tranh vẽ rồng trên chất liệu mo cau để giới thiệu đến công chúng Thủ đô.
Trong khuôn khổ của triển lãm, các tác phẩm tranh vẽ về Rồng của một số họa sỹ; hình ảnh Rồng trên áo dài Việt Nam xưa và nay được thể hiện sinh động nhằm giới thiệu đến công chúng những tác phẩm vô cùng độc đáo.
Không gian trưng bày “Tinh hoa từ trời đất”, trưng bày sản phẩm gốm của làng nghề Hương Canh (Vĩnh Phúc), Giang Cao (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), với các chủng gốm đa dạng, chất lượng và độc đáo được sáng tạo bởi các nghệ nhân làng nghề.
Khu Triển lãm với chủ đề “Chợ phiên Di sản” của Hội Di sản văn hóa Hà Nội trưng bày sản phẩm của các địa phương đang phát triển du lịch di sản văn hóa, không gian Trà Việt; nghệ thuật thư pháp giới thiệu những bức thư pháp về mùa xuân, về Tết; các bức thư pháp sen và rồng chào đón năm Giáp Thìn 2024 góp cho phong vị của ngày xuân càng thêm đậm đà, là nơi dành cho khách thăm quan muốn tìm hiểu và khám phá về nghệ thuật thư pháp.
Khu vực trưng bày, bán hoa, cây cảnh của các nhà vườn ở Hà Nội, Lào Cai với các loại hoa, cây cảnh trưng Tết như: Lan hồ điệp, địa lan, đào thất thốn, nhất chi mai, trạng nguyên, cúc mâm xôi, dạ yến thảo, cây cảnh mini... Ngoài ra, Hội xuân còn có các gian hàng thiện nguyện với các sản phẩm chay và đặc sản vùng miền phục vụ mua sắm Tết.
Các chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng xuân Giáp Thìn được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Hội xuân với sự tham gia của nghệ sĩ, diễn viên đến từ nhiều nhà hát lớn: “Chào xuân 2024 - Rồng bay lên”, Gala “Xuân ấm áp”, tọa đàm và giao lưu nghệ thuật “Du xuân năm Giáp Thìn”.
Bên cạnh đó là giao lưu nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam “Mừng Đảng, mừng xuân”, “Tìm hiểu về lịch sử Tết cổ truyền Việt Nam”, chương trình nghệ thuật “Chào năm mới”, chương trình nghệ thuật thiếu nhi “Vui đón Xuân”…
Hội Xuân Giáp Thìn 2024 mở cửa 8h30 - 21h30 từ 26/1 - 1/2 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Lễ khai mạc Hội Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra vào 16h ngày 26/1.