Hơn 90% trẻ bị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng được cứu sống
Bác sĩ Nguyễn Văn Linh - Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa – Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, khe hở thành bụng là một dị tật nặng, thành bụng không đóng kín và tất cả các tạng trong ổ bụng như ruột non, đại tràng... bị lòi ra bên ngoài ổ bụng.
"Với dị tật này, ngay sau sinh có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn ổ bụng, hoại tử phần ruột ở ngoài ổ bụng cho trẻ sơ sinh và dẫn đến tử vong. Một năm chúng tôi gặp khoảng 15 – 20 trường hợp trẻ bị dị tật khe hở thành bụng. Nếu dị tật này được điều trị sớm ngay sau sinh thì có hơn 90% trẻ bị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng được cứu sống", bác sĩ Linh chia sẻ.
Tỷ lệ thành công phụ thuộc vào tuổi thai, cân nặng lúc sinh, có dị tật khác hay bệnh lý đi kèm hay không... Sau khi phẫu thuật thành công bé sẽ sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Mới đây nhất, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cứu sống bệnh nhi Bùi Văn An (ở Vĩnh Phúc) bị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Linh điều trị cho bệnh nhi bị dị tật khe hở thành bụng
Mẹ của bé An, chị Lê Thị Nhung được bác sĩ thông báo con bị khe hở thành bụng khi mang thai An ở tuần 13. Mặc dù rất lo lắng, sợ hãi trước thông tin bác sĩ cho biết và cũng được bác sĩ cảnh báo những nguy cơ có thể xảy khi giữ lại em bé nhưng vợ chồng chị Nhung vẫn quyết tâm lưu lại em bé.
Suốt thời gian mang thai, chị Nhung phải sống trong sự lo lắng, bất an, chị sợ con mình không phát triển, tự hoại tử như nhiều trường hợp bác sĩ cảnh báo.
Sau nhiều lần lặn lội từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội khám theo chỉ định của bác sĩ và chú ý những dấu hiệu bất thường của thai nhi thì đến tuần thứ 37 chị Nhung hạ sinh bé An nặng 2,5kg.
"Khi cháu An được sinh ra bác sĩ nhi chúng tôi cũng có mặt ở đó, bảo vệ ruột bé bằng cách đặt túi silo ngay tại phòng đẻ. Sau đó chúng tôi đưa bé về Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Lúc này chúng tôi tiến hành đánh giá tình trạng bệnh của bé lần thứ 2, tức là kiểm tra xem ruột đó có bị phù nề không, có cho vào ổ bụng được không, có bị dính hay không, sau đó mới tiến hành đưa vào ổ bụng. Chính sự phối hợp giữa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương từ chẩn đoán, khám quản lý bệnh nhân trước sinh, hồi sức cấp cứu trẻ sơ sinh ngay sau sinh tại phòng đẻ đã làm giảm các biến chứng sau sinh, giúp tăng khả năng thành công của kỹ thuật đặt túi silo cứu sống trẻ sơ sinh", BS Linh cho biết.