Hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19
Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thanh Nhàn - đầu ngành về Kiểm soát nhiễm khuẩn tổ chức tập huấn, hướng dẫn quản lý chất thải trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tới các cơ sở y tế thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Với các cơ sở y tế có tiêm chủng Covid-19 thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) tại văn bản 102/MT-YT ngày 4/3/2021.
Những chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng có chứa chất gây bệnh phải được phân loại, thu gom và xử lý theo quy định |
Song song với đó là lập phương án quản lý chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, trong đó xác định rõ dự kiến lượng chất thải phát sinh trong tiêm chủng, biện pháp thu gom và lưu giữ chất thải;
Chuẩn bị đủ túi, thùng, dụng cụ đựng chất thải, phân loại, thu gom và bàn giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quản lý chất thải tới các cán bộ của cơ sở tiêm chủng.
Với các chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 như kim tiêm, bơm tiêm liền kim sau sử dụng thải bỏ và các chất thải lây nhiễm sắc nhọn khác thì phân loại vào dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm có màu vàng, có thành, đáy cứng không bị xuyên thủng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.
Bông, băng dính máu, vỏ lọ vắc xin đã dùng hết, lọ đựng vắc xin thừa thải bỏ, khẩu trang, găng tay, trang phục bảo hộ cá nhân thải bỏ và các chất thải lây nhiễm không sắc nhọn khác thì phân loại vào túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm, có màu vàng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.
Lọ vắc xin hết hạn sử dụng hoặc hỏng không sử dụng được do quá trình bảo quản, phân loại riêng để tiêu hủy theo quy trình hủy thuốc hoặc trả lại nhà sản xuất theo thỏa thuận với bên cung cấp.
Các chất thải khác phát sinh trong quá trình thực hiện tiêm chủng ngoài những chất thải trên được phân loại theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải cũng được thực hiện theo quy định của thông tư này và những văn bản có liên quan.
Được biết, trong đợt I, Hà Nội được Bộ Y tế cấp 8000 liều vắc xin phòng Covid-19. Số vắc xin này dùng để tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2020. Sau khi tính dự phòng khoảng 10% hao phí vắc xin, theo kế hoạch của ngành y tế Hà Nội sẽ có khoảng 7240 người làm việc trong cơ sở y tế, người tham gia chống dịch theo đối tượng ưu tiên mà Nghị quyết 21/NQ-CP quy định được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Toàn thành phố có 74 điểm tiêm bao gồm 9 điểm tại các bệnh viện và trung tâm chuyên khoa; 5 điểm tại khu cách ly tập trung và 60 điểm ở các quận, huyện, thị xã (2 điểm/quận, huyện, thị xã). Thời gian tiêm chủng được thực hiện từ ngày 9/3 đến 18/3.