Huy động hàng trăm ngàn tỷ đồng từ các nguồn lực trong Nhân dân
Nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh Công an TP Hà Nội: Những dấu ấn trong lòng Nhân dân Tăng cường quyền làm chủ của Nhân dân trong toàn hệ thống |
Sáng 17/10, tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày báo cáo tại Đại hội |
Nhiều đổi mới trong tuyên truyền, tập hợp Nhân dân
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, nhiệm kỳ qua, công tác Mặt trận tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, mối quan hệ máu thịt và niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là 5 chương trình hành động đã đề ra và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong thực tiễn.
Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân tiếp tục có nhiều đổi mới. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế"; "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" … tiếp tục có dấu ấn đậm nét trong xã hội, đã khơi dậy tinh thần thi đua, học tập lao động sản xuất và sự chung sức của cả cộng đồng.
Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - một trong những phương thức đoàn kết, tập hợp Nhân dân được tổ chức ở hầu hết khu dân cư trong cả nước.
Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được huy động từ các nguồn lực trong các tầng lớp Nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, ủng hộ người nghèo, cứu trợ thiên tai, bão lũ, thực hiện an sinh xã hội.
Quang cảnh Đại hội |
Trước diễn biến phức tạp, chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, Mặt trận đã phối hợp tổ chức 3 đợt kêu gọi, vận động các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước chung sức, đồng lòng ủng hộ nguồn lực phòng, chống dịch, góp phần cùng cả nước khống chế, vượt qua đại dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng và thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ làm 5.000 căn nhà cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên và hỗ trợ 500 căn nhà cho hộ nghèo của 5 tỉnh Tây Bắc. Với trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Mặt trận tiếp tục tổ chức phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "Xóa nhà tạm, nhà dột nát", đến nay đã vận động được hơn 6.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, vừa qua, Quỹ Cứu trợ Trung ương đã vận động được trên 2.000 tỷ đồng để ủng hộ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo việc "sao kê", công khai, minh bạch các nguồn ủng hộ và phân bổ kịp thời tới các địa phương, nhận được sự đồng tình, khen ngợi từ các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên luôn là địa chỉ tin cậy, lắng nghe, chia sẻ; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền. Trên 20.000 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân đã được phản ánh tại các kỳ họp của Quốc hội; gần 86.000 hội nghị phản biện xã hội, hơn 200.000 cuộc giám sát được tổ chức ở các cấp...
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, tham gia, phát huy vai trò, trách nhiệm trong các cơ chế, diễn đàn. Công tác củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ được tăng cường thông qua việc phát triển tổ chức thành viên, củng cố, phát huy vai trò hội đồng tư vấn, chuyên gia…; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư và tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp.
Đại biểu dự Đại hội |
6 chương trình hành động nhiệm kỳ mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, chưa thực sự chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền; công tác giám sát, phản biện xã hội có nơi, có lúc còn lúng túng; năng lực và kỹ năng hoạt động của một bộ phận cán bộ còn hạn chế…
Với mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Đại hội đề ra 6 chương trình hành động.
Một là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Ba là động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua.
Bốn là phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Năm là nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Sáu là tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.