Khám mắt để phát hiện bệnh Glôcôm
Bệnh glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) là nguyên nhân thứ 2 gây mù - sau đục thể thủy tinh. Dự báo, trên thế giới sẽ có khoảng 80 triệu người mắc glôcôm vào năm 2020, trong đó 11,2 triệu người mù do bệnh.
Đa số những người mù đang sống tại các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt (47% số bệnh nhân glôcôm thuộc về khu vực Châu Á).
Khám mắt để phát hiện bệnh Glôcôm
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Mắt trung ương đối với nhóm người trên 35 tuổi tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình, tỷ lệ mắc glôcôm chiếm 2,2% ở Nam Định và 2,4% ở Thái Bình nhưng có đến 94% người dân không hiểu rõ hoặc còn lơ mơ về bệnh này.
Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương cảnh báo, việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị glôcôm. Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân mắc glôcôm nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù lòa cao. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc khiến cho hiệu quả điều trị không cao.