Khi gia đình trẻ thờ ơ với láng giềng…
Bài 1: Lối sống của bố mẹ ảnh hưởng đến con trẻ
Công việc và cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ở đô thị càng sống khép kín, ít quan tâm đến người khác hơn. Câu nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần” có vẻ xa lạ với nhiều gia đình trẻ ở thành phố hiện nay.
Chuyên gia tâm lí Nguyễn An Chất, Giám đốc Cty Tư vấn tâm lí An Việt Sơn.
Chị Nguyễn Thanh Hà - quận Hoàn Kiếm kể: “Khu tôi ở, nhà nào chỉ biết nhà đó, khép cửa lại là xong, thậm chí một câu chào giữa hàng xóm với nhau cũng kiệm lời. Mọi người tất bật đi làm từ sáng tới tối, con mình còn không kịp quan tâm nói gì tới láng giềng. Khu tôi ở quá chật hẹp, không có diện tích sinh hoạt chung, nhà văn hóa lại xa nên người dân ít có dịp gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt mối quan hệ, thành thử tất cả sống trong lạnh nhạt…”.
Chị Trần Thái Hòa ở quận Ba Đình có con trai 12 tuổi lo lắng: “Con tôi cứ đi học về là lại chui vào phòng riêng rồi lên mạng. Khuyên nó nên tập thể thao hay ra ngoài chơi cho thoáng thì nó bảo khắp nơi toàn bê tông, thở còn không nổi, tập tành thế nào? Nhắc con sang nhà hàng xóm chơi thì nó bảo “quen biết gì mà chơi”… Thú thật là cháu nói cũng có phần đúng vì tôi cũng ít giao lưu nên ở đây gần một năm rồi mà không rõ nhà bên cạnh có mấy con. Cứ như thế này, chúng tôi không thể yên tâm để cháu ở nhà một mình mà đi làm được…”.
Phải nói rằng, có những người vì bận công việc, thậm chí phải làm đến 12 tiếng/1 ngày, sáng đi lúc hàng xóm chưa dậy, tối về thì mọi người đã đi ngủ, vì thế họ ít biết đến hàng xóm. Tuy nhiên cũng có không ít những gia đình trẻ, tan giờ công sở, về đến nhà là khóa kín cửa, không giao lưu, sống xa cách hàng xóm.
Với bố mẹ, sự quan tâm đến hàng xóm đã ít thì đối với con trẻ, chúng càng tỏ ra thờ ơ. Chính cách sống “đèn nhà ai nấy tỏ” của các ông bố, bà mẹ là nguyên nhân chính khiến trẻ em thành phố ít quan tâm đến những người hàng xóm, láng giềng. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua việc hỏi trẻ con ở thành thị tên người nhà bên cạnh là gì, chắc chắn nhiều em lắc đầu không biết. Ngược lại ở nông thôn, khi hỏi một người ở “đầu làng, cuối xóm”, thậm chí ở xã bên cạnh là ai, thì các cháu vẫn có thể nói vanh vách.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bố mẹ trẻ ít quan tâm đến việc giao lưu với hàng xóm là rất đáng lo, bởi họ đi làm cả ngày sau đó về đến nhà là “nhốt kín” trẻ trong nhà. Nếu chẳng may có vấn đề gì xảy ra, các cháu chỉ có thể gọi điện cho bố mẹ mà không thể nhờ vào ai khác được. Còn ở nông thôn, các em có thể tự mình sang nhà hàng xóm chơi với lũ bạn, bố mẹ chưa về vẫn đảm nhiệm việc nhà đến nơi, đến chốn. Phải chăng trẻ thành thị đang mất dần tình cảm hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau?
Sự vô cảm hay thờ ơ của trẻ có thể sẽ dẫn đến sự phát triển nhân cách khi trưởng thành, để lại dấu ấn đặc biệt. Ban đầu là sự không quan tâm của cha mẹ với láng giềng, dần dần hình thành thói quen đó ở trẻ. Thói quen này sẽ in đậm trong nếp sống, nếp nghĩ, hành vi, dẫn đến xem chuyện đó rất bình thường. Trẻ sẽ dần quen với suy nghĩ “đèn nhà ai nấy tỏ”, không muốn giúp đỡ, tương trợ những người xung quanh khi họ cần.
Theo chuyên gia tâm lí Nguyễn An Chất, Giám đốc Cty tư vấn tâm lí An Việt Sơn, môi trường hẹp mà trẻ đang sống (có bố mẹ, anh chị em, bạn bè, hàng xóm) là điều kiện ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách trong những năm đầu đời của trẻ. Môi trường đó tốt hay xấu sẽ tác động đến cách nghĩ, cách nói cũng như cung cách giao tiếp, ứng xử… Nếu các bậc cha mẹ không chú ý đến điều này thì hậu quả là con cái sẽ sống lạnh nhạt, vô cảm, thờ ơ với hàng xóm, thiếu đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Hình thành cái tôi cá nhân, vị kỉ với người xung quanh.
(còn nữa)