Khoa học và công nghệ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Hòa Lạc đã hình thành hệ sinh thái ban đầu cho lĩnh vực công nghệ cao
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Đã có "tổ lớn" phải chăm chút hạ tầng để nhà đầu tư tìm đến
Nghiên cứu khoa học gắn kết với sản xuất, kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động KH&CN của TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã triển khai 346 nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố (trong đó 212 nhiệm vụ khoa học tự nhiên và công nghệ; 84 nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn; 50 dự án sản xuất thử nghiệm) với tổng kinh phí là 633,092 tỷ đồng. 100% dự án sản xuất thử nghiệm và trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn. Kết quả của các nhiệm vụ KH&CN đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, hoạt động KH&CN tiếp tục gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi đã đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề bức thiết của thực tiễn sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và an toàn thực phẩm, duy trì và phát triển các giống lúa chất lượng, khả năng chịu hạn và sâu bệnh, ổn định năng suất, bảo tồn và phát triển các loại cây đặc sản, sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế…
Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn, theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được đổi mới và nâng cao hiệu lực.
Bên cạnh đó, thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức; Đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sang cơ chế thị trường; Bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế thủ đô nhanh và bền vững. Các sản phẩm KH&CN thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng…
Tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng chung của khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của TP Hà Nội nhìn chung còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hệ thống cơ chế, chính sách về KH&CN chưa hoàn thiện; Chưa khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện đổi mới, ứng dụng, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ;…
Xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô”
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước.
Phát triển nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn phục vụ cho việc đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của một trung tâm văn hoá, chính trị, giáo dục là nơi văn hoá và con người Hà Nội đóng vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển Thủ đô.
Về tăng cường xã hội hoá nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ. Phấn đấu đến năm 2025, phần đầu tư của xã hội cho KH&CN và đổi mới sáng tạo chiếm 70%, tổng đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo không thấp hơn 1% GRDP của Thủ đô. Đồng thời, thành phố hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2035 và thuộc nhóm dẫn đầu ở Châu Á vào năm 2045.
Để thực hiện được tốt các mục tiêu, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế quản lý, chính sách tài chính và đầu tư đối với hoạt động KH&CN; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ gắn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm; Chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đưa nhanh tiến bộ và thành tựu KH&CN vào cuộc sống và sản xuất.
Hà Nội tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thủ đô; Là trung tâm tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia và quốc tế, kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế; Thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trong các trường đại học.
Đồng thời, Hà Nội xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô” nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ tri thưc và doanh nhân nhằm phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển; Có chính sách vượt trội thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ tri thức, cán bộ khoa học, chuyên gia công nghệ, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế…