"Khởi nghiệp công nghệ" lên sóng VTV3 từ ngày 3/8
Buổi họp báo ra mắt chương trình "Khởi nghiệp công nghệ" diễn ra chiều 31/7 tại Hà Nội
Với sứ mệnh "Cổ vũ khát vọng Việt Nam", Ban Sản xuất các chương trình Giải trí – VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam đưa các nhóm khởi nghiệp công nghệ tiếp cận với người dùng, cố vấn, thiết lập mối quan hệ với truyền thông, báo chí, các nghệ sĩ và đông đảo khán giả truyền hình để tạo ra bệ đỡ cho những ý tưởng giải quyết vấn đề, thay đổi cuộc sống bằng công nghệ ứng dụng trên di động.
Chương trình được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Khoa học & Công nghệ; Bộ Kế hoạch & Đầu tư; cùng sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động tới mọi lĩnh vực của cuộc sống, trí tuệ nhân tạo dần thay thế sức lao động của con người trong nhiều lĩnh vực. Những ứng dụng di động ngày càng trở nên phổ biến để giải quyết vấn đề trong đời sống, nhưng tỷ lệ ứng dụng “Make in Vietnam” lại đang bị áp đảo so với các ứng dụng nước ngoài ngay trên chính những chiếc điện thoại của người tiêu dùng Việt.
Thực tế Việt Nam đã có những sản phẩm công nghệ ghi dấu trên trường quốc tế và người Việt vốn thông minh, giàu tính sáng tạo cần có thêm những không gian để người dùng biết tới, trải nghiệm và ủng hộ sự phát triển của các ứng dụng Việt, vì mục tiêu một Quốc gia khởi nghiệp - Việt Nam hùng cường trong thời đại mới.
Nhà báo Tạ Bích Loan phát biểu tại buổi ra mắt chương trình "Khởi nghiệp công nghệ" |
Tại buổi ra mắt chương trình, nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban biên tập VTV3 cho biết đã có nhiều chương trình giới thiệu các Start up - Khởi nghiệp công nghệ hoặc Khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo. Đây lần đầu tiên có một cuộc thi trên truyền hình dành riêng cho ứng dụng trên điện thoại di động với tên gọi Khởi nghiệp công nghệ, phát sóng 12h00, thứ bảy hàng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ 3/8/2019.
"Khởi nghiệp công nghệ" là định dạng chương trình hoàn toàn Make in Việt Nam, được đầu tư chuẩn bị trong một thời gian dài. Chương trình mang đến cái nhìn mới mẻ, dễ hiểu về ý tưởng của các ứng dụng, về những nhà lập trình ứng dụng, về cách thức tạo lập và điều hành hoạt động của một dự án công nghệ.
Tham gia "Khởi nghiệp công nghệ", các nhà sáng lập ứng dụng di động mang tới nhiều sản phẩm sáng tạo, độc đáo: Thế giới thợ - cung cấp những người thợ lành nghề để sửa chữa mọi hỏng hóc trong gia đình hay công trình; Manmo – khai thác phân khúc nhà trọ, nhà nghỉ cho khách có nhu cầu lưu trú với mức giá tốt và linh động; iMotor – minh bạch hóa những thông tin kỹ thuật về xe máy, ô tô để chủ xe chủ động chăm sóc, sửa chữa xế yêu mà không còn nỗi lo bị lừa; Telepro – cung cấp giải pháp bán hàng qua điện thoại một cách văn minh, hiệu quả cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ đang thời kỳ thai sản, các bạn sinh viên, các đối tượng cần được ưu tiên như người khuyết tật…; Vihago – giúp hành khách thuận tiện trong việc đặt xe, bắt xe dọc đường một cách tiện lợi, tiết kiệm; Triptour – sàn thương mại điện tử đáp ứng mọi nhu cầu về du lịch của du khách, đặc biệt ứng dụng công nghệ thực tế ảo để khách tham khảo dịch vụ chân thực nhất trước khi đưa ra quyết định lựa chọn…
Hội đồng Tư vấn của chương trình gồm các chuyên gia, cố vấn uy tín, giàu kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực, có tầm nhìn, am hiểu thị trường, mang tới những nhận định chuyên sâu và định hướng chiến lược để nâng tầm các dự án công nghệ: Chuyên gia Vũ Minh Trí – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNG, nhà sáng lập điều hành IOT link; Chuyên gia Đào Xuân Hoàng – Nhà sáng lập và điều hành Monkey Junior; Chuyên gia Mai Duy Quang – Giám đốc TOPICA Founder Institute, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA); Ông Đào Ngọc Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học & Công nghệ.
Các nhà báo, phóng viên xuất hiện trong Khởi nghiệp công nghệ với góc nhìn sắc sảo: nhà báo Trương Anh Ngọc, Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Quỳnh Hương, báo điện tử Dân Việt; nhà báo – chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú; nhà báo Từ Nữ Triệu Vương, báo Giao thông…
Các nghệ sĩ cùng đội ngũ người hâm mộ đông đảo sẵn sàng ủng hộ các ứng dụng tiềm năng của Khởi nghiệp công nghệ: ca sĩ Bảo Trâm, Yến Lê, Minh Vương, diễn viên Lan Phương, Thanh Hương, Anh Vũ, Trọng Hùng, diễn viên - MC Tuấn Tú, Thu Hoài.
100 khán giả ”quyền lực” đại diện cho các nhóm người dùng trên thị trường – là những người trực tiếp đưa ra quyết định về số phận của ứng dụng trong mỗi cuộc thi.
Hai người dẫn chương trình Minh Hà và Trần Ngọc có khả năng làm chủ sân khấu, hiểu biết lĩnh vực kinh doanh và công nghệ, ứng biến linh hoạt với các tình huống, là sợi dây kết nối người chơi với hội đồng tư vấn, nghệ sĩ và khán giả.
Giải thưởng: Giải nhất trị giá 200 triệu đồng. Quan trọng hơn, đến với chương trình, các đội chơi sẽ được khẳng định bản thân, được nói lên những đóng góp của mình cho xã hội bằng các ứng dụng, các giải pháp công nghệ tiện dụng và hữu ích; các ứng dụng được giới thiệu tới hàng triệu khán giả và các nhà đầu tư trên khắp cả nước và thế giới.
Thể thức thi đấu của chương trình gồm ba vòng.
Vòng 1 (8 tập): Mỗi tập có 3 đội dự thi. Hội đồng Tư vấn đưa ra nhận định về mặt chuyên môn để định hướng người dùng một cách khách quan. Khách mời truyền thông, báo chí và nghệ sĩ bày tỏ cảm nhận chủ quan với tư cách người sử dụng.
100 khán giả quyền lực ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp - đại diện cho nhóm những người sử dụng ứng dụng công nghệ - trực tiếp trải nghiệm apps tại trường quay và đưa ra quyết định có lựa chọn apps đó hay không. Tỷ lệ khán giả lựa chọn tải apps càng cao, cơ hội đi tiếp vào vòng trong của đội chơi càng lớn. Đội chơi đặt cược dựa trên các thông số dữ liệu có được từ cuộc chơi. Phần chơi này thể hiện khả năng tiên liệu thị trường của các nhà sáng lập apps.
Kết thúc vòng 1, 12 trên tổng số 24 đội chơi sẽ đi tiếp vào vòng trong, bao gồm 8 ứng dụng chiến thắng từ mỗi cuộc thi đấu, 4 ứng dụng do Hội đồng Tư vấn lựa chọn.
Vòng 2 (6 tập): 12 ứng dụng vào vòng 2 sẽ trải qua 2 phần thi: Phần 1: Nâng cấp ứng dụng (theo đầu bài của Hội đồng Tư vấn từ vòng 1); Phần 2: Các tác giả bước vào phòng tình huống (dạng tiểu phẩm được xây dựng dựa trên tính năng cũng như những phản hồi của khán giả). Kết thúc vòng 2, ba đội có số điểm cao nhất và 1 sản phẩm do Hội đồng Tư vấn lựa chọn được vào chung kết.
Vòng 3: Chung kết – truyền hình trực tiếp với sự tương tác của chính khán giả truyền hình và có sự tham gia của các nhà đầu tư và quỹ đầu tư…