Không để rác thải trở thành mầm bệnh
Phân loại rác đúng cách – giải pháp hữu hiệu trong bảo vệ môi trường |
Không để mầm bệnh phát tán
Xử lý chất thải liên quan đến các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ được ngành Y tế và các ngành liên quan hết sức chú trọng. Tại các bệnh viện, cơ sở y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế được coi là chất thải lây nhiễm nên được xử lý theo đúng quy trình. Tuy nhiên trong cộng đồng, không ít người dân chưa tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng cách, chưa biết hoặc chưa quan tâm đến việc xử lý khẩu trang đã qua sử dụng. Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Theo các chuyên gia y tế, khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác và không còn tác dụng phòng bệnh. Thậm chí, khẩu trang đã qua sử dụng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, từ các bệnh về hô hấp, cúm, cho đến đường tiêu hóa, nguy cơ nhiều nhất là bệnh lao, vì vi khuẩn lao tồn tại rất lâu trong môi trường.
Vì vậy, người sử dụng không nên vứt khẩu trang đã qua sử dụng một cách bừa bãi, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là mối đe dọa tiềm tàng gây mầm bệnh cho cộng đồng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên loại bỏ khẩu trang bị ô nhiễm cùng với chất thải gia đình, bởi khi việc phân loại rác còn chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, phần lớn là rác thải hỗn hợp. Hỗn hợp rác thải chứa khẩu trang qua sử dụng với rác thải thông thường có thể gây nguy hiểm cho những người thu gom rác khi họ dùng tay nhặt các vật dụng có thể tái chế.
Trước tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 624/BYT-MT về việc xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân khi tháo bỏ khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang. Sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín theo quy định và rửa sạch tay, bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại nơi công cộng.
Tại Hà Nội, để ngăn chặn mầm bệnh phát tán từ rác thải, nhất là rác thải y tế, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các khu xử lý chất thải của thành phố.
Trong đó, thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo đối với việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải có nguy cơ lây nhiễm, chất thải phát sinh tại vùng dịch (nếu có) trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng nhằm trục lợi bất chính; xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý đối với trường hợp vi phạm.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường, ngăn ngừa phát tán mầm bệnh từ rác thải, trong đó có rác thải y tế, ngành Y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở y tế, cơ sở thực hiện nhiệm vụ cách ly y tế tập trung thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, bảo đảm không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Cùng với đó, ngành Y tế cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng, thải bỏ tại các cơ sở y tế để ngăn ngừa phát tán mầm bệnh.
Người dân bỏ khẩu trang y tế vào thùng rác |
Tăng cường quản lý chất thải lây nhiễm
Chất thải y tế ẩn chứa nhiều mầm bệnh, nếu không được xử lý đúng quy trình thì rất dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh làm ảnh hưởng tới sức khỏe Nhân dân. Với sự chủ động và quyết tâm cao của ngành y tế, việc xử lý chất thải đang từng bước đi vào nền nếp, lượng chất thải y tế lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cơ bản được xử lý.
TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: Để bảo đảm vệ sinh môi trường, ngăn ngừa phát tán mầm bệnh từ rác thải, trong đó có rác thải y tế, Sở Y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở y tế, cơ sở thực hiện nhiệm vụ cách ly y tế tập trung thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, bảo đảm không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Bên cạnh đó, ngành Ytế Thủ đô cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng, thải bỏ tại các cơ sở y tế. Cùng với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân hướng đến sự hài lòng của người bệnh, ngành Y tế tiếp tục duy trì và thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
“Muốn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế về chăm sóc sức khỏe, sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường, ngăn chặn các nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng”, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Urenco Phan Văn Đức cho biết, để làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo công ty đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, lãnh đạo các đơn vị theo dõi và quản lý tốt sức khỏe cán bộ, công nhân viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Công nhân viên có biểu hiện bất thường như sốt cao, ho kéo dài, cần nghỉ làm việc và báo ngay đến đường dây nóng của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng… không để dịch lây lan trong đơn vị. Ngoài ra, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công nhân viên về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mùa đông. Cùng với đó, các công ty môi trường đều tổ chức tập huấn, tuyên truyền để cán bộ công nhân viên tự bảo vệ sức khỏe bản thân.
Đối với người lao động thu gom chất thải y tế và công nhân thường xuyên tiếp xúc với rác thải phải sử dụng đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động. Công ty Urenco cũng đã có công văn gửi Sở Y tế, các bệnh viện đề nghị phải phân tách riêng các loại rác từ nguồn bệnh có nguy cơ nhiễm dịch. Trước khi thu gom phun khử khuẩn đậm đặc, khi thu gom đưa lên thùng tiếp tục phun diệt khuẩn. Quy trình xử lý chất thải được phân tách riêng, hấp sấy bằng nhiệt độ cao trước khi xử lý.
Theo đánh giá chung, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Song không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với sự cố gắng của nhiều ngành, nhiều cấp, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, cùng chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Không chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để bảo vệ môi trường nhất là trong mùa dịch cần có sự chung tay của toàn xã hội trong đó có vai trò của các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…) và sự ý thức của mỗi người dân.
Chương trình “Xây dựng trường học xanh” do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức thực hiện đã thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh Thủ đô và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là mô hình “Tái chế học đường” thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa do Công ty Tetra Pak (Thụy Điển) phối hợp các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức trên địa bàn Thủ đô thực hiện thí điểm từ năm 2017.
Từ những việc nhỏ, dễ nhớ, dễ làm là thu gom, cho ống hút vào trong hộp, phân loại vỏ sữa..., chương trình đã được các em nhỏ hào hứng tham gia, thông qua đó giáo dục các em ý thức tự phục vụ và bảo vệ môi trường. Với những hiệu ứng tích cực, từ năm học 2019 - 2020, chương trình chính thức được triển khai trên diện rộng tới 1.200 trường mầm non và tiểu học của Hà Nội. Kết thúc năm học, mặc dù gián đoạn gần nửa năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình đã thu gom được 269 tấn vỏ hộp sữa, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp để tái chế.
Trong năm học 2020 - 2021, chương trình tiếp tục mở rộng quy mô với sự tham gia của 1.600 trường tiểu học và mầm non. Trong khuôn khổ của chương trình, các em học sinh được cung cấp nhiều kiến thức về bảo vệ môi trường, tiếp tục được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống, như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹt, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được thu gom định kỳ hai tuần một lần, chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái, đồ chơi...
Bên cạnh đó, cũng trong năm học này, nhiều sáng kiến cải thiện môi trường, xây dựng trường học xanh như dự án “Đường đi bộ đến trường”; mô hình học sinh tự quản trong chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa; dự án thay đổi hành vi học sinh, xây dựng lối sống xanh trong trường học cũng được nhiều trường thực hiện.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra hơn 5.000 tấn rác, trong đó có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông. Lượng rác thải ra quá lớn, cách xử lý chủ yếu là chôn lấp, dễ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng cuộc sống của người dân sống gần khu vực bãi rác. Chính vì vậy, những chương trình như “Xây dựng trường học xanh” là rất cần thiết và có ý nghĩa. Thành phố cần xây dựng và nhân rộng hơn nữa các chương trình về bảo vệ môi trường, xử lý, phân loại rác ngay tại nguồn, hạn chế sử dụng vật liệu bằng nhựa, ni-lông dành cho lứa tuổi nhỏ. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ độ tuổi mầm non và tiểu học không chỉ giúp các em bảo vệ môi trường tại trường học mà sẽ còn lan tỏa đến mỗi gia đình, từng cộng đồng. Và xa hơn, trong tương lai chúng ta sẽ xây dựng được một thế hệ có ý thức bảo vệ môi trường, thiết thực đưa khẩu hiệu “sáng, xanh, sạch, đẹp” của Thủ đô vào cuộc sống.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |