Không nên đợi nhập vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1” mới tiêm phòng
(TTTĐ) Tính đến cuối giờ chiều 9/3, tại 2 điểm tiêm dịch vụ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ở 70 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) và 23 Nguyễn Viết Xuân (quận Hà Đông) đã hết vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, hai năm trở lại đây, tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ thường diễn ra và việc đặt hàng thường bị động vì hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp. Nguyên nhân cũng do nhiều quốc gia đưa những loại vắc xin này vào triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên “cầu” đã vượt “cung”.
Phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng để phòng chống các bệnh.
Từ nay đến tháng 6 sẽ có khoảng 20.000 liều vắc xin “5 trong 1” được nhập về khu vực miền Bắc nhưng vắc xin “6 trong 1” chưa biết đến khi nào mới có. Với số lượng như vậy thì chắc chắn thời gian tới, 2 loại vắc xin này không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do đó, khi mà nguồn vắc xin dịch vụ chưa bảo đảm, việc chờ đợi nhập về mới tiêm là rất nguy hiểm vì trẻ có thể mắc bệnh ở giai đoạn này.
Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, vắc xin “5 trong 1” phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib. Còn vắc xin “6 trong 1”, ngoài các bệnh này còn phòng thêm bệnh viêm gan B. Ông Cảm khẳng định, chương trình Tiêm chủng mở rộng có đủ vắc xin phòng những bệnh trên. Do đó, phụ huynh có thể đưa con em mình tới các trạm y tế hoặc trung tâm y tế dự phòng để được tiêm phòng miễn phí các loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng mà vẫn bảo đảm hiệu quả.
Tiêm vắc xin dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng cùng với chương trình tiêm chủng mở rộng. Trung bình, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin dịch vụ chiếm khoảng 10-20% tổng số mũi tiêm trên toàn địa bàn thành phố. Ngay cả trong năm vừa qua, trên thế giới, nhu cầu sử dụng vắc xin này cũng tăng đột biến nên các hãng dược phẩm sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã yêu cầu các nhà nhập khẩu và phân phối khi có vắc xin nhập về phải công khai số lượng và số vắc xin đã phân phát tới các đơn vị tiêm chủng.
Do đó, Cục đưa ra khuyến cáo, sau khi tiêm chủng bất kỳ loại vắc xin nào, nếu thấy dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, khi đưa con đi tiêm chủng, phụ huynh cần thông báo cụ thể về tình trạng sức khỏe, bệnh cấp tính hoặc mạn tính mà trẻ đang mắc phải, các loại thuốc mà trẻ đang sử dụng để có thể hoãn tiêm cho tới khi trẻ có đủ sức khỏe đáp ứng được việc tiêm chủng. Để đảm bảo an toàn tối đa tiêm chủng, Cục tổ chức khám sàng lọc sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm, do vậy phụ huynh có thể yên tâm khi cho con tiêm phòng.
Phương Thu