Khuyến khích người dân tích cực, chủ động tiêm vắc xin COVID-19
Kế hoạch nêu rõ, truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, UBND các cấp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Các đơn vị, địa phương truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhằm phòng, chống dịch"; Khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân trên địa bàn Hà Nội |
Ngoài ra, các đơn vị truyền thông về công tác cung ứng vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng; Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức... trong triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn TP.
Đồng thời, các đơn vị xây dựng các sự kiện liên quan đến truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng để tăng cường truyền thông đến các nhóm đối tượng đích.
Nâng cao năng lực truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, cán bộ y tế và lực lượng tham gia chiến dịch tiêm chủng; Phát hiện, nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, đạt hiệu quả cao.
Theo đó, thời gian thực hiện từ tháng 4/2023 đến tháng 12/2024. Các hoạt động chủ yếu: Xây dựng kế hoạch truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, có thể lồng ghép trong kế hoạch phòng, chông dịch và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Bố trí nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, kinh phí) để thực hiện đạt hiệu quả.
Mặt khác, các đơn vị tăng cường truyền thông trên các cơ quan báo chí Trung ương và TP về kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn TP như: Xây dựng các tin, bài, phóng sự, chương trình truyền hình, chương trình phát thanh, tọa đàm, giao lưu trực tuyến...
Các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông trên trang thông tin điện tử của TP và các quận, huyện, thị xã và mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...) về kế hoạch triển khai tiêm chủng, các khuyến cáo, thông điệp tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, đầy đủ, đúng lịch; Giải đáp các thắc mẳc, câu hỏi của người dân, bác bỏ thông tin sai sự thật, tin đồn, tin giả về vắc xin phòng COVID-19.
Các đơn vị thông qua đăng tải các tài liệu truyên thông của Bộ Y tế cung cấp và đã được hiệu chỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương như: Tin nhắn, bài viết, hình ảnh, infographic, videoclip, audiospot... tổ chức các chương trình truyền thông, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, giải đáp thắc mắc; Tham gia các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội do Bộ Y tế thực hiện.
Hoạt động đường dây nóng của Hà Nội cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội là đơn vị thường trực phối hợp các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.618.751 ca nhiễm, đứng thứ 13/231quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.416 ca nhiễm).
Biều đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua |
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 15/6 ghi nhận 329 ca mắc mới COVID-19. Ngoài ra, trong ngày, cả nước cũng có 27 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 10.639.668 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 16 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 13 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca.
Trong ngày 15/6, cả nước không ghi nhận ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 14/6 có 5.675 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.455.803 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.777.387 liều: Mũi 1 là 70.909.408 liều; Mũi 2 là 68.456.879 liều; Mũi bổ sung là 14.344.121 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.147.192 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.919.787 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.382 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.712.761 liều: Mũi 1 là 10.231.207 liều; Mũi 2 là 8.481.554 liều.