Khuyến khích tổ chức riêng lớp học theo môn lựa chọn
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn ở cấp THPT Xây dựng phương án đáp ứng nhu cầu chuyển đổi môn học lựa chọn cho học sinh THPT |
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2022 - 2023 là năm học toàn ngành quay lại trạng thái bình thường mới sau 2 năm tổ chức dạy và học trong điều kiện chống dịch COVID-19.
Riêng đối với cấp THPT, đây cũng là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 song song với việc tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2006. Nhiệm vụ đặt ra với ngành là vừa phải tiếp tục giữ vững chất lượng của chương trình giáo dục hiện hành, vừa phải thích nghi và nhanh chóng làm chủ chương trình GDPT mới.
Ảnh minh họa |
Dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ nhưng nhìn chung, các nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đáp ứng tốt nhất mục tiêu hướng nghiệp của chương trình mới và nhu cầu học tập của học sinh. Việc tổ chức dạy học về cơ bản đã được các nhà trường thực hiện theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở GD&ĐT.
Năm học 2022-2023, cấp trung học phổ thông thành phố Hà Nội có 237 trường với gần 276.000 học sinh, gần 16.000 giáo viên. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, các nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đáp ứng tốt nhất mục tiêu hướng nghiệp của chương trình mới và nhu cầu học tập của học sinh. Nhiều trường đã chủ động khắc phục hiện tượng thiếu giáo viên, đáp ứng nhu cầu lựa chọn môn học của học sinh… |
Năm học 2023-2024 là năm thứ hai, cấp trung học phổ thông triển khai Chương trình GDPT 2018; Hai khối lớp triển khai là lớp 10 và lớp 11. Toàn ngành quyết tâm triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó có việc tổ chức dạy học các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn.
Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến khích các nhà trường tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn; Linh hoạt bố trí học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khoá biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học mới là phát triển mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; Tăng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2015 có 80% số trường công lập đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, cấp trung học phổ thông thành phố Hà Nội cũng tập trung rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; Xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu, nhất là giáo viên các môn tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Đồng thời, toàn ngành cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung giáo viên trung học phổ thông theo chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục mới.
Năm học 2023-2024, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục tự chủ trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảng dạy. Trong đó, các hoạt động giáo dục được tổ chức linh hoạt trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường. Kế hoạch giáo dục nhà trường được hội đồng trường phê duyệt, báo cáo Sở GD&ĐT Hà Nội trước khi thực hiện.
Tham luận của một số đơn vị, trường học tại hội nghị đã đóng góp thêm một số giải pháp triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Đây cũng là kinh nghiệm để các nhà trường cùng trao đổi, chia sẻ và vận dụng trong triển khai nhiệm vụ năm học mới, trong đó có việc đổi mới dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn; Tổ chức hoạt động trải nghiệm và tư vấn tâm lý cho học sinh.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng chia sẻ về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông như tổ chức ôn tập theo nhóm đối tượng học sinh; Thường xuyên kiểm tra mức độ nắm bắt kiến thức của học sinh; Tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh để đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh; Thường xuyên động viên, khích lệ, có biện pháp hỗ trợ riêng cho từng em…