Kiến nghị lùi thời hạn xử phạt xe khách, xe tải chưa lắp camera
Nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện
Theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.
Đánh giá sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 10 đã đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, năng lực vận chuyển lưu thông hàng hóa và góp phần nâng cao trật tự vận tải, trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cho biết, kể từ ngày Nghị định 10 có hiệu lực thi hành (ngày 1/4/2020), cũng là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải áp dụng giãn cách xã hội toàn quốc, ảnh hướng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách.
Việc thực hiện lắp camera đối với xe ô tô kinh doanh vận tải nhằm lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông |
Đề cập đến khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giao thông vận tải cho hay, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, có khi bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch. Số lượng khách giảm khiến doanh thu và sản lượng vận tải bị giảm sút nghiêm trọng. Chi phí tăng do phải trang bị thêm khẩu trang, sát khuẩn tay và sát khuẩn phương tiện.
Sản lượng, doanh thu trong vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt từ 20 - 30% so với trước dịch. Vận tải hàng hóa thì sản lượng và doanh thu ước đạt khoảng 70 - 80%. Thống kê trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy, tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5/2021 chỉ đạt khoảng hơn 50%.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài, phương tiện tiếp tục phải ngừng hoạt động, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản, Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải
Thông tin thêm về kết quả thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo báo cáo từ 63 Sở Giao thông vận tải cho thấy các đơn vị kinh doanh vận tải đã và đang lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
Tổng số phương tiện thuộc đối tượng phải lắp đặt camera gần 200.000 xe. Trong đó, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) là hơn 116.000 xe, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo hơn 83.000 xe.
Tổng số phương tiện đã lắp đặt camera tính đến hết ngày 10/6/2021 là gần 15.500 xe, đạt tỷ lệ 7,8% so với tổng số xe phải lắp đặt. Trong đó, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) là hơn 9.700 xe, đạt tỷ lệ 8,4%. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo hơn 5.700 xe, đạt tỷ lệ 6,9%.
Theo báo cáo của các Sở Giao thông vận tải, việc thực hiện quy định lắp camera cho đến nay gặp nhiều khó khăn dẫn đến không đảm bảo tiến độ xong trước ngày 1/7/2021.
Việc thực hiện quy định lắp camera cho đến nay gặp nhiều khó khăn dẫn đến không đảm bảo tiến độ xong trước ngày 1/7/2021 |
Để tiếp tục thực hiện Nghị định 10 và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/2021 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép chưa thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp camera trên phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện việc đôn đốc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp đặt camera trên xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP để góp phần tăng cường theo dõi, giám sát người lái xe đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
“Kể từ ngày 1/1/2022 đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo và từ ngày 1/7/2022 đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị không thực hiện”, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và bộ, ngành có liên quan cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 đến hết ngày 31/12/2021.
Thông tư số 74/2020/TT-BTC về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách đến hết ngày 31/12/2021.