Kiên quyết tẩy chay các sản phẩm điện ảnh độc hại
Nhiều tác phẩm điện ảnh đặc sắc phục vụ Nhân dân |
Về ưu điểm, các tác phẩm điện ảnh góp phần quảng bá về con người, cảnh quan, du lịch, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Thực tiễn cho thấy, khán giả Việt Nam mới chỉ tiếp cận các bộ phim lịch sử của Hàn Quốc, Trung Quốc trên truyền hình và internet trong khoảng 20 năm gần đây nhưng hiểu biết của khán giả Việt Nam về lịch sử, văn hóa của những nước này thông qua phim ảnh ngày càng sâu sắc. Rõ ràng, phương pháp tuyên truyền, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, phong cảnh, con người… thông qua phim ảnh là rất hiệu quả.
Tuy nhiên, lợi dụng điều này, các thế lực thù địch không ngừng sử dụng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng việc đưa những thông tin sai lệch liên quan đến lịch sử Việt Nam, chủ quyền lãnh thổ, tích cực sử dụng “thần tượng” để truyền bá văn hóa, tư tưởng thông qua các tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước sản xuất. Đây là những thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” và “sức mạnh mềm văn hóa” trong thời kỳ mới.
Bộ phim “Cảm tình viên” bị cấm chiếu tại Việt Nam |
Có thể kể đến một số bộ phim gần đây có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ (công chiếu hình ảnh chứa đường lưỡi bò phi pháp) hay xuyên tạc lịch sử Việt Nam trắng trợn như: “Hướng gió mà đi” (Trung Quốc), “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” (Trung Quốc), “Điệp vụ biển đỏ” (Trung Quốc), Pine Gap (Úc), Everest Người tuyết bé nhỏ (Mỹ - Trung Quốc), Barbie (Mỹ - Anh), Thợ săn cổ vật (Mỹ) , “Quân lệnh Vương bài” (Trung Quốc), “Litte woman” (Hàn Quốc).
Bộ phim “Cảm tình viên” - một bộ phim do Đài HBO (kênh truyền hình của Mỹ) sản xuất lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam vào những năm 1970, được quay tại Thái Lan và không được phép quay cũng như trình chiếu tại Việt Nam. Các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch được thể tung hô nội dung bộ phim và lồng ghép một cách khéo léo những chi tiết xuyên tạc lịch sử Việt Nam nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Nếu không kịp thời ngăn chặn, những sản phẩm văn hóa này sẽ ngấm dần và lan tỏa trong tư tưởng, nhận thức người xem theo chiều hướng tiêu cực, sai lệch.
Thời gian qua, việc một số bộ phim do nước ngoài sản xuất đã được cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, cấm phổ biến tại Việt Nam vì có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền quốc gia đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao của dư luận trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, không gian mạng đã thật sự trở thành không gian chiến lược, được xác định là "không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm của quốc gia”.
Đối mặt với số phim chiếu mạng ngày càng gia tăng, các cơ quan chức năng cần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao, chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật để phát hiện, sàng lọc từ sớm các vi phạm như nhận diện được những hình ảnh bản đồ bị làm sai lệch, những nội dung xuyên tạc lịch sử,…
Bên cạnh đó, khán giả đặc biệt là khán giả trẻ cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin sai lệch liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cũng như lịch sử Việt Nam được các thế lực thù địch khéo léo lồng ghép, tuyên truyền thông qua các tác phẩm điện ảnh.
Chúng ta cần xác định việc nâng cao nhận thức về chủ quyền quốc gia là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, nhất là với giới trẻ. Bởi khi bị chính khán giả phản đối, quay lưng lại, các sản phẩm điện ảnh có nội dung sai lệch, thiếu lành mạnh sẽ không thể tồn tại.