Kịp thời hỗ trợ y tế các tỉnh khắc phục hậu quả bão lũ
Đoàn công tác của Bộ Y tế do TS. Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tình hình ngập lụt tại một số trạm y tế trên địa bàn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do nhiều chỗ bị ngập sâu nên đoàn công tác đã phải đi xuồng để đến Trạm y tế xã Vinh Thái.
TS. Nguyễn Nam Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt trường hợp cấp cứu, sản phụ, người già, trẻ em, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn phải trực cấp cứu 24/24 giờ.
Riêng trường hợp các sản phụ sắp sinh, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu trong những ngày mưa bão, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh phải tổng hợp số liệu hàng ngày các bà mẹ mang thai sắp sinh để báo cáo về Sở nhằm chủ động chuyển phụ nữ sắp sinh đến cơ sở y tế an toàn nhất chờ sinh…
Sở Y tế cũng đã lên các phương án về phòng chống dịch ngay sau khi nước rút, hỗ trợ thêm cơ số thuốc, hóa chất, phao cứu sinh cho các huyện, thị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn thăm hỏi người dân bị nạn đang điều trị tại BVĐK huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Trước đó, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai quốc gia, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến thăm và kiểm tra công tác y tế và các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa bão tại huyện Thăng Bình, Quế Sơn, TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) và huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đánh giá cao công tác hỗ trợ, cứu hộ các nạn nhân trong mưa bão của ngành y tế tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ngành y tế đã thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu; công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa bão cho nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, tình hình mưa lũ vẫn còn tiếp diễn, do đó ngành y tế Quảng Nam và Quảng Ngãi cần rà soát trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
Theo báo cáo nhanh tổng hợp tình hình thiệt hại cũng như các biện pháp triển khai công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra của Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, trong các ngày từ 3/10-6/11, Bộ Y tế đã liên tiếp có 3 công điện gửi Sở Y tế các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão lũ, áp thấp nhiệt đới chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo công tác y tế trong điều kiện bão lũ.
Đến nay cơn bão số 12 đã gây thiệt hại cho ngành y tế các địa phương như sau: Tỉnh Quảng Ngãi có 7 trạm y tế của 7 xã bị ngập; BVĐK tỉnh Quảng Ngãi cũng bị ngập khu vực xung quanh bệnh viện, tại các cổng ngập sâu trên 0,5m, riêng tại cổng người nhà thăm nuôi bệnh ngập sâu gần 1m.
Tỉnh Khánh Hòa, hiện vẫn chưa có báo cáo cụ thể, tuy nhiên theo báo cáo nhanh sơ bộ có 8 trung tâm y tế xã bị ảnh hưởng của bão gây thiệt hại ngập úng; 10 bệnh viện bị ảnh hưởng. Tại tỉnh Bình Định, bão số 12 khiến 8 trung tâm y tế, 24 trạm y tế bị ngập nước; 40 cơ sở trạm y tế, nhà làm việc, khoa phòng bị tốc mái, rất nhiều trang thiết bị y tế bị ngập nước, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Tỉnh Phú Yên, đến trưa ngày 6/11 vẫn có 19 trạm y tế xã bị cô lập; có 30 trạm y tế bị tốc mái, sập vách tường, tường rào, cổng và các hư hại khác tại cơ sở làm việc; Hệ thống xử lý chất thải của Trung tâm y tế Đông Hòa bị gãy ống khói và các hệ thống liên quan bị hỏng. Các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện tuyến tỉnh bị bể cửa gương, bay cửa sổ, tốc mái các công trình phụ.
Bộ Y tế cũng cho biết, để hỗ trợ ngành y tế các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 12, Bộ Y tế đã xuất cấp hàng dự trữ phòng chống thảm họa khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra gồm cloramin B, bạt, áo phao cứu sinh, cơ số thuốc phòng chống lụt bão...