Ký ức hào hùng của cựu tù Côn Đảo
Dù đã gần 100 tuổi nhưng cụ Truyền vẫn còn minh mẫn để kể về những chuyện thời cách mạng (Ảnh: Sơn Tiên)
Dù đã gần 100 tuổi nhưng ký ức về cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ, những lần bị giam cầm tại nhà tù Côn Lôn, Côn Đảo... với cụ Trần Văn Truyền, ngụ khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) vẫn còn in rõ trong tâm trí.
Bài liên quan
Quảng Nam: Xem xét việc điều chỉnh chủ trương giải quyết cấp GCNQSD đất tại các dự án
Quảng Nam: Phát hiện, bắt giữ 77 vụ phạm tội về ma túy trong 6 tháng đầu năm
Quảng Nam: Để khiếu kiện kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam
Quảng Nam: Để khiếu kiện kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư
“Cách mạng là chân lý”
Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Truyền vẫn còn rất khỏe mạnh, tinh thần lạc quan và minh mẫn đến lạ thường. Ngồi bên tách trà nóng với giọng khàn khàn, người cán bộ tiền khởi nghĩa hiếm hoi còn sống này bồi hồi nhớ lại những ngày đến với cách mạng.
“Hồi đó, tôi mới 18 tuổi. Mẹ mất. Nhà chỉ còn mình cha, nghèo khổ mãi. Ban ngày, tôi đi học chữ Nho, tối đến thường dạy lại cho bọn trẻ trong làng. Rồi một hôm, thầy giáo cho tôi xem tờ báo viết về cuộc chiến tranh Trung - Nhật và bảo rằng nếu một ngày nước mình có giặc ngoại xâm thì tất cả mọi người phải cùng đứng lên bảo vệ quê hương. Đến năm 1940, đất nước bị Nhật xâm chiếm. Nhớ lời thầy dặn, tôi bắt đầu giác ngộ lý tưởng cách mạng để giữ vững chủ quyền của Tổ quốc…” – cụ Truyền, kể.
Với sự giác ngộ về tinh thần yêu nước, ngọn lửa về sự chủ quyền, độc lập dân tộc đã thôi thúc cụ Truyền tham gia vào Tổ “Thanh niên Cứu Quốc”. Bắt đầu từ đó, cụ Truyền vừa tiếp tục dạy học, vừa tiếp tục vận động mọi người lĩnh ngộ chân lý cách mạng.
Với ánh mắt đầy tự hào, cụ Truyền tâm sự: “Tôi còn nhớ mãi bài vận động cách mạng của Việt Nam độc lập Đồng minh ngày đó, đã đưa tôi đến với cách mạng”. Nói xong, cụ Truyền đưa tay vút chòm râu dài bạc trắng, rồi ngân nga câu thơ: “Việt Nam độc lập đồng minh/ Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây/ Quyết làm cho nước non này/ Cờ treo, độc lập, nền xây bình quyền”.
Những vần thơ vững vàng khí tiết cách mạng
Sau khi giác ngộ được chân lý cách mạng, cụ Truyền đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8/1945 tại Tam Kỳ. Sau đó, cụ tiếp tục tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cụ Truyền bị địch bắt vào năm 1957 và bị đày qua các nhà giam An Trí, Chợ Cồn và Côn Lôn. Tại Côn Lôn, cụ đã sáng tác bài thơ “Đất mẹ quê hương”: “Đi đày ra đảo Côn Lôn/ Ngày đi còn hứa hẹn nhau ngày về/ Quảng Nam đất mẹ ân tình/ Bao nhiêu thương nhớ lòng ta bồi hồi/ Quảng Nam trăm nhớ ngàn thương/ Thân này còn có quê hương còn về/ Con xin gởi trọn lời thề/ Đá mòn mặc đá lời thề không phai”.
Đặt chân lên Côn Lôn, dù liên tục gánh chịu những trận đòn roi, tra tấn dã man của giặc, nhưng với khí tiết của người yêu nước, cụ Truyền cùng những bạn tù cách mạng đã tổ chức và tham gia tích cực nhiều cuộc đấu tranh trong tù.
Ông Truyền đã vinh dự được trao tặng Huân Chương Kháng Chiến hạng Nhất (Ảnh: Sơn Tiên) |
Ngày 8/1/1958, tại trại Cộng sản, trong một cuộc đàn áp để bắt cụ “li khai Cộng sản”, cụ Truyền đã thề chết quyết trung thành với lý tưởng cách mạng. Cũng tại đây, cụ đã sáng tác bài thơ “Gìn giữ thế thanh cao”: “Quyết ngẩng cao đầu nâng chí cao/ Kiên trung giữ dạ lòng son sắc/ Kèm kẹp xiềng gông chẳng quản nao/ Xà lim ngục tối lòng không tối/ Dồi mài ý chí giữ thanh cao/ Thịt nát da bầm tim vẫn đỏ/ Sống thác thường tình dạ chẳng lay/ Giữ trọn thanh danh, khí tiết này”.
Sau hơn 8 năm bị giam cầm ở “địa ngục trần gian”, tháng 10/1964, trên đường địch dẫn độ về Quảng Ngãi để xử án, cụ Truyền đã trốn thoát được và về lại Quảng Nam tiếp tục móc nối cơ sở của cách mạng. Để ghi lại “kỷ niệm” trốn thoát được xiềng xích của bọn thực dân, cụ Truyền đã sáng tác được bài thơ “Vượt ngục”: “Thoát vòng thiết hỏa chân cao thấp/ Nhìn cảnh sơn hà bước nhặt khoan/ Về lại chiến khu cùng đồng đội/ Chung tay góp sức diệt bạo tàn/ Gian truân mấy độ thân bao quản/ Sóng gió bao phen dạ chẳng lay/ Chiến trường còn lắm điều gian khổ/ Nghĩa nước tình dân chút dạ này”.
Để phục vụ cho mục tiêu lâu dài của đất nước, từ những năm 1970 đến năm 1972, cụ Truyền được đưa ra Bắc để học tập.
Trải qua bao nhiêu gian khổ, hy sinh và một lòng sắc son với Đảng, nhân dân, sau ngày đất nước thống nhất, cụ Truyền được giao nhiệm vụ về lại quê hương để làm Chủ tịch UBND thị xã Tam Kỳ, giai đoạn 1976 - 1984.
Ngày 25/8/1987, sau những đóng góp không biết mệt mỏi cho đất nước, cụ Truyền đã Nhà nước vinh dự được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Giờ đây, vị lão thành cách mạng với hơn 70 tuổi Đảng như cụ Truyền chính là một nhân chứng sống của lịch sử và là tấm gương cao cả cho các thế hệ trẻ nỗ lực học tập, noi theo.