Liên tục triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn”
Thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm, thiết bị y tế giả
Chiều 16/5, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) thông tin, đơn vị vừa triệt phá ổ nhóm sản xuất hàng giả là thực phẩm chức năng, với số lượng đặc biệt lớn.
Căn cứ tài liệu điều tra và hành vi của các đối tượng, Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với 6 đối tượng là: Phạm Ngọc Tiến, Lương Thị Yến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Hữu Tuấn.
![]() |
Lực lượng liên ngành kiểm tra, thu giữ thuốc, thực phẩm chức năng giả của ổ nhóm Phạm Ngọc Tiến cầu đầu |
Theo cơ quan công an, ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, trú tại khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu. Ổ nhóm này được cơ quan công an theo dõi trong 1 năm qua.
Bằng việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Hà Nội đã phát hiện hệ sinh thái do Tiến và đồng bọn thiết lập với nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Phạm Ngọc Tiến đã chỉ đạo kế toán Lương Thị Yến thành lập 17 công ty, trong đó 6 công ty nhập khẩu và 11 công ty phân phối hàng hóa trong nước.
Ban đầu, nhóm này nhập khẩu thực phẩm chức năng từ nước ngoài để phân phối. Thấy thị trường tiêu thụ tốt, Tiến đã nảy sinh ý định sản xuất hàng giả trong nước, "mượn" mác ngoại để bán. Vốn là dược sĩ, Tiến tự tạo công thức, mua nguyên liệu trong nước và giao cho nhân viên không có chuyên môn phối trộn, đóng gói thành các sản phẩm thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả mạo nguồn gốc nước ngoài. Việc nhập khẩu hàng hóa chỉ là bình phong để tạo lòng tin cho người tiêu dùng và đối phó với quá trình kiểm tra của lực lượng chức năng.
![]() |
Đối tượng Phạm Ngọc Tiến |
Tiến còn lập xưởng sản xuất hàng giả tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và công ty in ấn tại Vĩnh Phúc để phục vụ việc sản xuất bao bì giả. Vỏ lọ, vỏ hộp được đặt in với thông tin thể hiện xuất xứ từ các nước như Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ. Ngoài ra, tem nhãn phụ được nhóm đối tượng thuê nhân công dán tại xưởng ở Hưng Yên và kho hàng ở quận Hà Đông.
Trước việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, Tiến và Nguyệt đã chỉ đạo nhân viên tẩu tán, cất giấu hàng giả đến nhiều địa điểm ở tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Giang.
Căn cứ các tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 7/5, Phòng Cảnh sát kinh tế đã đồng loạt khám xét khẩn cấp khoảng 20 địa điểm liên quan đến đường dây này tại 20 tỉnh thành trên cả nước. Kết quả, lực lượng chức năng đã thu giữ số lượng hàng giả ước tính hơn 100 tấn, bao gồm thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả với khoảng 100 mã sản phẩm khác nhau. Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020, tiêu thụ tại nhiều hiệu thuốc, bệnh viện trên toàn quốc.
![]() |
Các đối tượng trong vụ án bị bắt giữ |
Kết quả khám xét khẩn cấp thu giữ được 30 khuôn dập gân vỏ hộp, 28.531 hộp thực phẩm chức năng; 34.822 lọ thực phẩm chức năng; 38.935 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; 8.535 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả, tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau). Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020, và bán trên tất cả các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.
Hiện vụ việc đang được Phòng PC03 tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chuyên án nhằm cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TP Hà Nội về việc đấu tranh đối với vi phạm pháp luật trong lĩnh vực, sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh theo chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo thành phố và Trung ương.
![]() |
Tem nhãn số thuốc, thực phẩm chức năng giả đều in tiếng nước ngoài |
Gần 11.500 hộp thực phẩm có dấu hiệu vi phạm
Cũng trong ngày 16/5, các trinh sát của Đội 6 - Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 - Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và Công an xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đã tiến hành kiểm tra đột xuất hai địa điểm sản xuất và kinh doanh thực phẩm thuộc Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can. Kết quả kiểm tra cho thấy hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến sản xuất, ghi nhãn và quảng cáo thực phẩm.
Cụ thể, lực lượng chức năng đã phát hiện và kiểm tra một xưởng sản xuất nằm sâu trong ngõ nhỏ thuộc thôn Năm Trại, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Cổng xưởng được sơn vẽ ngụy trang bằng các hình loang lổ, kết hợp với hệ thống camera giám sát 24/24 nhằm phát hiện và đối phó với bất kỳ sự tiếp cận nào từ bên ngoài.
Cùng thời điểm, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra một địa điểm kinh doanh khác của công ty này tại số 30, ngõ 23, phố Đỗ Quang, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy. Qua kiểm tra tại hai địa điểm, lực lượng chức năng phát hiện tổng cộng gần 11.500 hộp thực phẩm các loại bao gồm trà, sữa hạt, viên uống... có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tổng giá trị lô hàng vi phạm ước tính lên tới 1 tỷ đồng.
Đây là sản phẩm của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can, do ông Nguyễn Hữu Hoàn (sinh năm 1984, thường trú tại huyện Quốc Oai) làm Giám đốc.
![]() |
Khoảng 11.500 sản phẩm vi phạm bị thu giữ |
Theo kết quả bước đầu, Công ty bị xác định vi phạm với các hành vi không thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi sau công bố sản phẩm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ghi nhãn sản phẩm không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định và ghi nhãn sai sự thật, mô tả công dụng sản phẩm gây hiểu lầm là thuốc điều trị hoặc chữa bệnh.
Đáng chú ý, Công ty còn quảng cáo và kinh doanh các sản phẩm này trên nền tảng mạng xã hội như website, TikTok, Shopee..., với nội dung vượt quá công dụng thật của thực phẩm, đánh lừa người tiêu dùng.
Việc ghi nhãn sai sự thật, quảng cáo thổi phồng công dụng là thực trạng đáng lo ngại hiện nay, đặc biệt với các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Những thông tin sai lệch có thể khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng họ đang sử dụng thuốc chữa bệnh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí là trì hoãn điều trị y tế phù hợp. Bên cạnh đó, hành vi này còn làm sai lệch môi trường kinh doanh, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chân chính tuân thủ quy định pháp luật.
Hiện, Phòng Cảnh sát Kinh tế đang phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 hoàn thiện hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can. Tổng mức xử phạt dự kiến là gần 200 triệu đồng.
Đồng thời lực lượng chức năng đang tiếp tục đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật. Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua hoặc sử dụng các loại thực phẩm, thực phẩm chức năng, đặc biệt là các loại sản phẩm có yếu tố “quảng cáo vượt mức” trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cựu giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên bị cáo buộc nhận hối lộ 10 tỷ đồng

TP Hồ Chí Minh: Nhiều nhà chờ xe buýt bị mất cắp thiết bị

Thanh Hóa: Cựu Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương lĩnh án 5 năm tù

Bắt tạm giam Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương miền Trung

Nỗ lực đảm bảo an ninh, trật tự cho mùa du lịch hè 2025

Quảng Ngãi: Triệt phá đường dây cho vay nặng lãi 452%/năm qua Facebook

Quảng Nam: Bắt giữ đối tượng lừa đảo người khuyết tật bán vé số

Cao Bằng: Bắt ba đối tượng trú tại huyện Trùng Khánh và Quảng Hoà tàng trữ ma túy

Nghệ An: Khởi tố đối tượng cho vay nặng lãi
