Linh thiêng, tinh hoa bên dòng sông mẹ
Tuyên truyền, lan toả bản sắc văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh Xây dựng kiến trúc nông thôn gắn với bản sắc văn hóa địa phương Phát huy bản sắc, văn hóa làng nghề |
Đến dự chương trình về phía Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Hoàng Trọng Quyết - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội; Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Đại biểu tham dự chương trình "Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa" |
Về phía quận Bắc Từ Liêm có các đồng chí: Lưu Ngọc Hà - Chủ tịch UBND quận, Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Nguyễn Hữu Tuyên - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận; Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban Tổ chức.
Tham dự chương trình còn có đại diện các lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Sở, Ban, ngành, đoàn thể, quận huyện của Hà Nội, doanh nghiệp, nhà đồng hành, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo Nhân dân.
Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động lễ hội thiết kế sáng tạo
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội là hoạt động thường niên diễn ra tại Thủ đô nhằm khẳng định vị thế của một thành phố sáng tạo về thiết kế, và vai trò của một thành viên trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, trung tâm biểu diễn nghệ thuật… phát triển công nghiệp văn hóa hai bên sông Hồng, theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Đồng chí Lưu Ngọc Hà - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm phát biểu khai mạc chương trình |
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” nhằm giới thiệu về ngôi đình linh thiêng bên sông Hồng, nơi thờ Đức Thánh Chèm (hay còn gọi là đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng) và tôn vinh các loại hình nghệ thuật truyền thống, những tinh hoa dân tộc; là hơi thở, tiếng lòng người Việt qua nhiều thế hệ, thế hiện trí tuệ, phẩm chất trong tư duy, lối sống của Nhân dân trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Lưu Ngọc Hà - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận Bắc Từ Liêm nhấn mạnh: Quận Bắc Từ Liêm là địa danh khoa bảng, nơi hội tụ nhiều di sản văn hoá đặc sắc phong phú và đa dạng từ các làng nghề truyền thống, tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến... mang vị thế một địa phương văn hiến, anh hùng của một thành phố sáng tạo - thành phố vì hòa bình.
Thực hiện Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”; Nghị quyết số 09 về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm đã triển khai bằng những chương trình và kế hoạch cụ thể, coi văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, chủ trương của Thành ủy đã khẳng định thêm một danh hiệu mới cho Thủ đô Hà Nội khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trên lĩnh vực thiết kế sáng tạo với nền tảng chính là văn hóa.
MC Lê Anh và Thùy Linh |
Lễ hội thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối, khai phá nguồn lực, tôn vinh giá trị, hội tụ, lan tỏa và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô dọc hai bên bờ sông Hồng.
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm. Đây là ngôi đình cổ kính có lịch sử khởi dựng khoảng 2 nghìn năm. Nằm bên bờ sông Hồng lịch sử - dòng sông biểu tượng của nền văn minh lúa nước, đình Chèm ngàn năm tuổi đã chứng kiến bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, lưu giữ cùng dòng chảy phù sa bồi tụ từ ngàn xưa, là nơi mạch nguồn tinh hoa, muôn nơi hội tụ mang ý nghĩa linh thiêng và độc đáo.
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” là một sản phẩm thiết kế sáng tạo mang tới cho Nhân dân và du khách thập phương một một cảm xúc mới, với ấn tượng, trải nghiệm “đánh thức hệ giá trị di sản dọc bên bờ sông Hồng trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc”.
Sân khấu thực cảnh bên bờ sông Hồng |
Chương trình nghệ thuật được chuẩn bị chu đáo, có sự phối hợp của nhiều địa phương, nhiều đoàn nghệ thuật; “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” sẽ là một đêm nghệ thuật sáng tạo đặc sắc, tạo điểm nhấn trong chuỗi hoạt động Lễ hội thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023, góp phần hiện thực hóa mục tiêu: “Thủ đô Hà Nội là thành phố sáng tạo có sức ảnh hưởng trong khu vực Châu Á; thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm chính trị - văn hóa, du lịch đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế.
Cảm nhận sâu sắc dòng chảy tinh hoa
Được dàn dựng ngay trong không gian linh thiêng cổ kính với một sân khấu trên sân đình, một sân khấu thực cảnh trên lòng sông, không gian nghệ thuật "Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa" khiến khán giả chìm đắm vào vẻ đẹp và những giá trị truyền thống ngàn đời của vùng đất cổ bên dòng sông mẹ.
Là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 hướng tới 10 năm thành lập quận Bắc Từ Liêm, Ban Tổ chức cầu kì từng chi tiết với con thuyền, với lau lách bạt ngàn trắng tinh phơ, với không gian mở của chương trình khiến người xem thực sự được thưởng thức một chương trình nghệ thuật khác biệt và sẽ nhớ mãi không quên.
Trên cái nền đầy cảm xúc ấy, các tiết mục là sự đan xen kết nối giữa lịch sử và đương đại, là quá khứ và tương lai, là sự trao truyền, giữ gìn và tiếp nối, là hội nhập và giữ gìn bản sắc ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Chương 1: Mạch nguồn văn hiến. Chương 2: Kiệt tác ngàn năm - Lắng hồn dân tộc; Chương 3: Bừng sáng tinh hoa.
Chương trình kể câu chuyện về hành trình của dòng chảy tinh hoa, bắt đầu từ những “mạch nguồn văn hiến”, hội tụ tại Thủ đô Hà Nội, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, tạo nên những kiệt tác ngàn năm như ngôi đình Chèm thiêng liêng mà chúng ta đang hiện diện, cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời. Dòng chảy tinh hoa liên tục chuyển biến trong niềm tự hào, tự tôn, vang lên đầy màu sắc, tỏa sáng rạng ngời.
"Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa là một ngôi đình uy nghi cổ kính, có niên đại hơn 2.000 năm lịch sử. Nơi đây thờ Đức Thánh Chèm (hay còn gọi là đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng).
Văn Lang thành cổ sơn trung điệp
Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng
Lý Ông Trọng được phong là Thượng Đẳng Thiên Vương, là nhà ngoại giao đặc biệt xuất sắc, mình cao hai trượng ba thước, khí chất cương nghị, bản lĩnh phi phàm. Ông là bậc dũng sĩ văn võ song toàn, văn đạt Hiếu liêm, võ đạt Hiệu úy - từng giúp vua Hùng Duệ Vương chặn giặc giữ yên bờ cõi Văn Lang. Đến đời An Dương Vương giúp vua với nhiều công trạng. Khi được cử làm sứ sang Tần thì giúp Tần đuổi giặc Hung Nô.
Uy vũ đến vậy quả là xưa nay hiếm! Dù đã mất, ông cũng thường hiển linh giúp nước, cứu dân. Những giai thoại Đức Thánh Chèm cho đến nay vẫn mang màu sắc huyền bí, nhưng uy linh và công đức của ông đã in sâu vào tâm thức Nhân dân hàng ngàn năm qua.
Vùng đất địa linh xây đình thờ để tưởng nhớ ông nằm tại bãi đất rộng, cổng đình hướng về phía sông Hồng. Trải qua ngàn năm, ngôi đình bên dòng sông Hồng là nơi linh thiêng, được nhân dân thờ phụng, tu bổ, soạn lễ dâng tế".
Hoạt cảnh "Linh thiêng đình Chèm" qua giọng đọc của NSƯT Lê Chức nhắc nhớ người xem về huyền tích ngôi đình, về lịch sử dựng nước giữ nước của người dân nơi đây với Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng.
"Thăng Long - Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây!".
Ca sĩ Viết Danh và vũ đoàn Lavender |
Tiết mục "Thăng Long vững mãi cơ đồ" do Viết Danh và vũ đoàn Oscar, vũ đoàn Lavender biểu diễn mở ra một không gian của thành phố ngàn năm văn hiến, niềm tự hào của Nhân dân kinh đô xưa, Thủ đô nay.
NSƯT Minh Thu |
Ca khúc "Bên dòng sông Cái" sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương do NSƯT Minh Thu thể hiện trên sân khấu chính cùng 30 người mẫu trình diễn áo dài trên sân khấu sông Hồng đã mang đến cho khán giả cảm xúc vỡ òa trong văn hóa Việt Nam, văn minh sông Hồng.
Ca khúc "Hà Nội linh thiêng hào hoa" do Lê Anh - Lê Trang và Nhóm Chuông Gió mang đến cảm giác rưng rưng tự hào về mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô thiêng liêng của cả nước.
Thăng hoa cảm hứng di sản
Điểm đặc biệt trong chương trình hôm nay đó là ngoài sân khấu chính đặt tại sân đình Chèm còn có một sân khấu thực cảnh đặt bên bờ sông Hồng - chứng nhân quan trọng cho những giai đoạn lịch sử thăng trầm của Thủ đô.
Dòng sông Hồng không chỉ là biểu tượng của nền văn minh lúa nước, mà mỗi nơi sông Hồng chảy qua, đều để lại những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là văn hóa Thăng Long. Đến nay, những giá trị mà văn minh sông Hồng mang lại vẫn còn hiện hữu cực kỳ rõ nét trong nhiều nét văn hóa và xã hội của Thủ đô, từ kiến trúc, làng nghề truyền thống, đến âm nhạc, tín ngưỡng, cho thấy sức sống bền bỉ vượt thời gian của những giá trị và nét đẹp văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội.
Phần biểu diễn bùng nổ cảm xúc của Tùng Dương trên sân khấu thực cảnh |
Trong không gian mênh mông ấy, giọng ca mạnh mẽ như sóng trào, lúc thủ thỉ như con sóng vỗ về của Tùng Dương với các ca khúc "Ngẫu hứng sông Hồng" mang đến cảm xúc bùng nổ cho người xem. Ca khúc như gói trọn đặc tính bao dung, lịch sử ngàn năm của dòng sông mẹ với đầy nét hào hoa, mang đến phù sa màu mỡ, văn hóa đậm đà bản sắc của Hà Nội, của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Như đã hứa với khán giả, phần trình diễn của nam ca sĩ đầy nội lực Tùng Dương với ca khúc "Chảy đi sông ơi" trên sân khấu chính cuốn khán giả theo từng nốt nhạc, lời ca với bản phối mới vô cùng hấp dẫn. Khí chất của Tùng Dương tiệp với không gian của sân khấu thực cảnh làm mê đắm lòng người.
Cũng tại sân khấu thực cảnh, giọng hát khỏe khắn mà chứa chan tình cảm của NSƯT Minh Thu với ca khúc "Lữ khách sông Hồng" một lần nữa thể hiện sự hùng vĩ, bao dung của dòng chảy con sông mang đến nguồn sống và nguồn văn hóa vô bờ cho người dân nơi đây.
Với người dân quận Bắc Từ Liêm và những người yêu kính ngôi đình Chèm nổi tiếng, lần đầu tiên được nghe ca khúc "Đình Chèm - dấu tích ngàn năm" do nhạc sĩ Mộc Cầm sáng tác, Mai Thanh Tùng viết lời qua phần thể hiện của Sao mai Ngọc Ký ngay tại sân đình cũng như qua sóng trực tiếp quả là một cảm giác lâng lâng, tự hào trào dâng mạnh mẽ như sóng sông Hồng.
Ngôi đình linh thiêng ngàn năm giờ đã có một bài hát của riêng mình, khắc họa huyền tích, lịch sử, vị trí với đời sống tâm linh, gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Bởi vậy, đây sẽ là một dấu ấn khó quên trong lòng người xem.
Sao mai Ngọc Ký thể hiện ca khúc "Đình Chèm - dấu tích ngàn năm" |
Ca khúc "Về Từ Liêm anh hùng" do ca sĩ Viết Danh và vũ đoàn Oscar, vũ đoàn Lavender biểu diễn cũng hòa chung cảm hứng ngợi ca mảnh đất anh hùng và giàu truyền thống văn hóa.
Trên đất nước Việt Nam còn biết bao dòng chảy tinh hoa. Ngày hôm nay, những tinh hoa sẽ hội tụ về đây, để cùng hòa ca về tình yêu con người, tình yêu Hà Nội để tinh hoa kết nối với tinh hoa và tạo ra những giá trị đẹp đẽ trong thời đại mới.
Chính vì thế, phần "Bừng sáng tinh hoa" là dịp để tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam cùng hội tụ và toả sáng rạng rỡ tại đình Chèm. Qua đó, chương trình góp phần khẳng định sự giàu có, đa dạng của văn hóa truyền thống Việt Nam, thể hiện sự gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa của các loại hình nghệ thuật giữa các vùng miền, địa phương.
Ca sĩ Kyo York |
Ca sĩ Kyo York mang đến sân khấu "Linh thiêng đình Chèm" ca khúc "Hello Việt Nam" một màu sắc mới đầy bất ngờ và bùng nổ. Chàng trai Mỹ biểu diễn trên nền 50 người mẫu trình diễn các bộ áo dài với những họa tiết về văn hóa truyền thống dân tộc.
Dòng chảy tinh hoa trong nét đẹp văn hóa áo dài truyền thống Việt Nam là sự kết hợp tinh tế, nhiều màu sắc của Viện thời trang áo dài Việt Nam, NTK Thúy Hằng, NTK La Hường, NTK Ngọc Diệp, NTK Thiên Lý, NTK David Lê, Thương hiệu Ông Lê cho chúng ta mục sở thị nét đẹp độc đáo của tà áo dài, kín đáo mà gợi cảm, tôn thêm nét đằm thắm mà mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam ở Việt Nam hay trên thế giới.
Những tà áo dài phom dáng hiện đại trẻ trung, phù hợp thời đại nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống, định vị Quốc phục Việt. Hình ảnh của bộ sưu tập và âm nhạc vilolin hòa trộn, đan xen đầy màu sắc, rực rỡ khiến khán giả đắm say theo từng tà áo bay, từng bước chân uyển chuyển, từng lời ca đầy cuốn hút.
Kyo York còn cống hiến tới khán giả Thủ đô ca khúc "Việt Nam những chuyến đi" đầy hào hứng và mê say.
Hòa trong dòng chảy của các tinh hoa văn hóa, chương trình còn mang đến các tiết mục đậm nét di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam như: "Dân ca ba miền", "Cô đồng say", "Ngồi tựa mạn thuyền" (dân ca quan họ Bắc Ninh), múa xòe vui ngày hội, "Đập nàng Khọt" (dân ca Mường, Rap Mường và EDM), "Xẩm Hà Nội"... với sự thể hiện của Nhóm Chuông gió, Sao mai Quách Mai Thy, Hà Myo, Rapper Khắc Nội, Rapper Endy, các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái cùng các vũ đoàn đã mang đến những màn biểu diễn vô cùng bắt mắt, nhiều cung bậc cảm xúc.
Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là hội tụ và tỏa lan, vì thế, ca khúc kết thúc chương trình "Việt Nam I love" là những nốt nhạc ngân vang cho thấy tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử.
Đó cũng chính là mục đích hướng tới của chương trình, lan tỏa những giá trị văn hóa ngàn năm của mảnh đất Bắc Từ Liêm, của Hà Nội và của Việt Nam nói chung tới thế giới trong để công nghiệp văn hóa của chúng ta cất cánh.