Loại bỏ tâm lý kén chọn vắc xin phòng Covid-19
Sự việc hơn 97.000 liều vắc xin Pfizer, BioNTech đầu tiên về Việt Nam hồi đầu tháng 7/2021 đã khiến nhiều người từ chối tiêm những loại vắc xin khác. Họ mong chờ được tiêm vắc xin Pfizer vì cho rằng loại này đáp ứng miễn dịch tốt, ít phản ứng phụ hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế thì sự so sánh và kết luận này chưa khách quan và không chính xác.
TS Nguyễn Công Luật, Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Mỗi loại vắc xin được nghiên cứu trên một nhóm đối tượng khác nhau; cỡ mẫu khác nhau và một thời gian cũng khác nhau. Do vậy, nếu chúng ta chỉ so sánh với số tuyệt đối thì dễ dẫn đến nhận định không chính xác. Chúng ta chỉ có thể so sánh được nếu chúng ta làm nghiên cứu trên cùng một nhóm đối tượng, cùng một cỡ mẫu, cùng một khoảng thời gian”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng I cho biết, người dân được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì nên tiêm càng sớm càng tốt, đừng kén chọn vắc xin hay lo ngại, trì hoãn. Người có bệnh nền (bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, bệnh tim mạch đang đặt stent, viêm gan B-C, thiếu máu tán huyết, rối loạn tiền đình, thiếu G6PD) nếu đã điều trị ổn định càng nên tiêm để tránh biến chứng nặng do Covid-19.
Cũng giống như các loại vắc xin khác, vắc xin phòng Covid-19 giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh Covid-19. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào có hiệu quả phòng bệnh 100%, vắc xin AstraZeneca cũng tương tự. Có thể có trường hợp bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin là do vắc xin chưa đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít còn lại đã tiêm nhưng vẫn mắc bệnh. Mặc dù vậy, các triệu chứng thường nhẹ và tỷ lệ nằm viện hoặc biến chứng nặng không xảy ra.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh vắc xin là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70-85% sẽ giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh. Như vậy, vắc xin phòng Covid-19 không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng; Đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế.
Hiện tại, Việt Nam sử dụng 3 loại vắc xin Covid-19 phổ biến là AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Không ít người phân vân về tác dụng của 3 loại vắc xin này và có tâm lý chờ vắc xin.
Người dân cũng nên hiểu rõ, khi nói vắc xin có hiệu quả 90% thì điều đó không có nghĩa là giảm 90% số ca nhiễm mà là người được tiêm đầy đủ giảm 90% nguy cơ nhiễm. Tiêm vắc xin không phải là viên đạn bạc chống 100% virus nhưng chắc chắn sẽ làm giảm các triệu chứng, giảm nguy cơ tử vong và cũng giảm tải áp lực lên hệ thống y tế.
Đánh giá được tầm quan trọng của vắc xin, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai chiến lược tiêm chủng vắc xin cho toàn dân. Tuy nhiên, thành bại của chiến lược này còn nằm ở chính hiểu biết, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vắc xin Covid-19.
Con người còn có thể lựa chọn, phân biệt giữa các loại vắc xin nhưng virus SARS-CoV-2 thì không. Đại dịch không phân biệt bất cứ ai. Kén chọn, dịch tràn qua, có khi chúng ta không thể trở tay. Cái giá phải trả rất lớn. Qua việc tiêm chủng, mỗi chúng ta cùng đóng góp tạo nên miễn dịch cộng đồng. Đó là ý nghĩa đích thực của chiến dịch tiêm chủng.