Lồng ghép giáo dục phòng chống ma túy vào hoạt động trải nghiệm, giáo dục
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy năm 2023. Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ ở trong và ngoài nhà trường.
Học sinh Hà Nội được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy |
Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ ở trong và ngoài nhà trường.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, có sự đổi mới. Nội dung tuyên truyền phải đảm bảo sâu, rộng, phù hợp với địa bàn, đối tượng, lứa tuổi.
Công tác tuyên truyền, giáo dục phải là nhiệm vụ thường xuyên, tất cả các cơ sở giáo dục. Các đơn vị trường học triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả, không phô trương, lãng phí, hình thức, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
Cụ thể, nội dung tuyên truyền gồm các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, xử lý hành vi có liên quan đến tệ nạn ma túy; Các khái niệm cơ bản về ma túy, tình hình phát triển, lây lan và tác hại của tệ nạn ma túy; Các biện pháp phòng ngừa lạm dụng ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Cùng với đó là các nội dung về lối sống lành mạnh, kỹ năng ứng xử và hành động kiên quyết không tham gia tệ nạn ma túy; ý thức, trách nhiệm của người học và cán bộ, nhà giáo trong việc phát hiện, đấu tranh chống tệ nạn ma túy, ngăn chặn tệ nạn ma túy xâm nhập vào nhà trường, gia đình và xã hội.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học chủ động phối hợp với ngành Công an, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan để nắm bắt, phát hiện sớm các trường hợp có liên quan đến tệ nạn ma túy để tư vấn, giúp đỡ, giám sát kịp thời.
Bên cạnh đó, các nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong nhà trường; Phát triển, bồi dưỡng đội ngũ hạt nhân tuyên truyền về giáo dục phòng, chống ma túy; Phát triển mô hình Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma túy” trong nhà trường; Triển khai bộ tài liệu giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh; Lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục cho học sinh; Thực hiện tích hợp nội dung giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy trong một số môn học chính khóa theo chương trình quy định.
Nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy cho học sinh; Nắm bắt các thông tin của học sinh liên quan đến tệ nạn ma túy để kịp thời giáo dục, nhắc nhở và xử lý theo quy định.