Ma túy được trộn lẫn trong thuốc lá điện tử "đầu độc" giới trẻ
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng nhanh hơn so với tỷ lệ thuốc lá điếu thông thường
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: "Khoảng năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ. Các hoạt động nhập lậu, mua bán, kinh doanh các sản phẩm này đang diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng.
Sản phẩm được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… được đưa tới người tiêu dùng qua các kênh không chính thức và được quảng bá, bán hàng tràn lan trên các trang mạng xã hội".
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo |
Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên Internet mà không rõ nguồn gốc xuất xứ cụ thể.
Các sản phẩm này thu hút giới trẻ thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, mang đậm phong cách công nghệ, được quảng bá trên mạng xã hội của giới trẻ bằng những người nổi tiếng và giữ khách hàng bằng các sản phẩm có hàm lượng nicotine cao.
Đáng lo ngại, trong những năm gần đây, tình trạng mua bán ngày càng phổ biến dẫn đến khiến cho tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ, thanh thiếu niên.
"Sự xuất hiện của thuốc lá mới với các hình thức mới lạ đã tạo thêm sự lựa chọn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới bên cạnh thuốc lá điếu thông thường, thêm sự lựa chọn cho việc sử dụng thuốc lá cho những người không hút thuốc lá và cả những người đang sử dụng thuốc lá điếu truyền thống. Do đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá do đa dạng nguồn cung và chủng loại thuốc lá", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Năm 2020 cho thấy, một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho hay, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).
Theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019” của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, (ở học sinh khu vực thành thị là 3,4%).
Năm 2020, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.
Đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới
Ở Việt Nam, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy phối trộn trong thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe |
Tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Minh Cương, Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: "Có sự gia tăng tình trạng ma túy "núp bóng" dưới hình thức các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường.
Nổi lên là việc tội phạm thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp các chất kích thích, ma túy mới dưới dạng thảo mộc hoặc dung dịch để sử dụng dưới dạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Người sử dụng các loại hàng hóa pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng".
Năm 2022, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra hơn 2.190 vụ, số xử lý trên 1.600 vụ, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 126.000 bao; Số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 10.000 sản phẩm các loại. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 7,7 tỷ đồng.
Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với khoảng 7.200 sản phẩm thuốc lá điện tử.
Theo báo cáo của công an các địa phương, năm 2022 toàn quốc phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; trong đó ma túy được tẩm ướp vào thảo mộc, thuốc lá điện tử: 32 vụ, 58 đối tượng.
Vật chứng thu giữ 124,1kg và 40,7 lít dung dịch có chứa chất ma túy loại ADB-BUTINACA dùng tẩm ướp, pha trộn, núp bóng dưới dạng thuốc thuốc lá điếu, tinh dầu thuốc lá điện tử.
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Cương, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát tội phạm về ma túy, Bộ Công an, hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý để quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Bên cạnh đó, thuốc lá thế hệ mới chưa được phân loại hàng hóa, định danh cụ thể tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu…
Để bảo vệ sức khỏe giới trẻ, phòng ngừa hiệu quả việc các đối tượng lợi dụng các sản phẩm thuốc lá mới để hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án cấm thuốc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đó là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.