Mạo danh Amazon để gọi điện, nhắn tin lừa đảo
Các đối tượng chủ động liên hệ với nạn nhân thông qua tin nhắn điện thoại, nền tảng mạng xã hội; thậm chí là gọi điện với những thông báo về việc tài khoản Amazon của người dùng bị khóa, hết hạn hoặc các đơn hàng không thể được vận chuyển thành công; yêu cầu bổ sung thêm dữ liệu cá nhân, thông tin tài chính và ngân hàng.
Một hình thức lừa đảo khác cũng được ACMA đề cập tới đó là việc các đối tượng liên hệ, nói rằng một bưu phẩm đứng tên nạn nhân có chứa đựng chất cấm và các vật dụng trái phép, yêu cầu nạn nhân xác minh bằng việc cung cấp các thông tin cá nhân, dữ liệu quan trọng.
Đại diện ACMA cho biết thêm, các đối tượng lừa đảo còn mời chào, dụ dỗ người dùng đăng ký hoặc gia hạn dịch vụ Amazon Prime - gói dịch vụ giúp cho người dùng mua được sản phẩm với mức giá vô cùng ưu đãi.
Để tham gia, người dùng sẽ được gửi các quảng cáo, đường dẫn có chứa trang web giả mạo. Sau khi truy cập vào trang web, các đối tượng sẽ chiếm được quyền điều khiển thiết bị của nạn nhân, theo dõi màn hình và các thao tác mà nạn nhân thực hiện, từ đó đánh cắp thông tin và thực hiện các giao dịch chuyển khoản trái phép.
Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dùng đề cao cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi liên quan tới Amazon nói riêng và các sàn thương mại điện tử khác nói chung.
Người dân cần cẩn trọng xác minh lại thông qua cổng thông tin điện tử chính thống hoặc trực tiếp liên hệ với đội ngũ nhân viên hỗ trợ; tuyệt đối không nhấn vào các đường link lạ; không cung cấp dữ liệu cá nhân, thông tin tài chính và ngân hàng cho bất kỳ đối tượng lạ nào.
Khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần báo cáo với đội ngũ kỹ thuật của công ty hoặc cơ quan chức năng nhằm kịp thời kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.