Mất tiền tỉ vì thủ đoạn lừa đảo cài đặt phần mềm giả mạo
Liên tiếp nhiều người bị lừa đảo, mất tiền
Theo tin từ Công an thành phố Hà Nội, thời gian qua, Công an thành phố liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh Công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo để chiếm đoạt tài sản nhưng nhiều người dân vẫn "sập bẫy" thủ đoạn này.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân của họ bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để làm việc. Với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ, đối tượng sẽ thúc ép để người dân phải khẩn trương tải phần mềm dịch vụ công giả mạo, do đối tượng cung cấp.
Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Công an TP Hà Nội liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh Công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo để chiếm đoạt tài sản |
Mới đây, một trường hợp ở quận Đống Đa, Hà Nội, bị chiếm đoạt 500 triệu đồng khi cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Theo đó, vào ngày 13/6/2024, Công an quận Đống Đa tiếp nhận đơn trình báo của chị N (Sinh năm 1976; trú tại Đống Đa, Hà Nội) về việc có nhận được điện thoại của một đối tượng, tự xưng là cán bộ Công an thành phố Hà Nội, yêu cầu chị cài đặt phần mềm Dịch vụ công. Sau khi cài đặt xong, chị N phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 500 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2024, anh N.V.D (Gia Lâm, Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ Công an quận Long Biên (Hà Nội) hỗ trợ xử lý căn cước công dân bị lỗi hệ thống, yêu cầu anh đến phường để khắc phục.
Do đang ở xa nên anh D hẹn ngày hôm sau sẽ lên phường giải quyết. Lúc này, đối tượng nói rằng cần hoàn thiện gấp hồ sơ nên yêu cầu anh tải phần mềm theo đường dẫn của đối tượng cung cấp để hỗ trợ xử lý từ xa.
Do phần mềm có giao diện gần giống với giao diện dịch vụ công trực tuyến nên anh D hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác. Sau khi thực hiện các thao tác, các tài khoản ngân hàng của anh bị đối tượng thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Theo Công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn của những đối tượng trên là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng cổng dịch vụ công. Để tạo uy tín thực hiện hành vi lừa đảo, chúng giả danh là cán bộ Công an, UBND phường/quận, thông báo: Căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai; chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế; cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công…
Sau đó, các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với cổng dịch vụ công.
Khi đó, mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Chiếm được quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Nhiều ứng dụng giả mạo các app cung cấp dịch vụ công đã được các đối tượng tạo lập để lừa người dùng. |
Để tránh “sập bẫy” chiêu lừa đảo giả mạo cán bộ Công an, yêu cầu hỗ trợ cài đặt dịch vụ công chứa mã độc chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ, đặc biệt là liên quan tới cán bộ của các cơ quan Nhà nước.
Người dân tuyệt đối không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, người dân cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm; tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.
Ngoài ra, mọi người không nên lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại; thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh phòng ngừa.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.