Mít tinh phát động Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc buổi lễ mít tinh
Bài liên quan
Mang thai ngoài ý muốn và các phương pháp phá thai
Tuyên truyền để giới trẻ sống trách nhiệm – sống Ok
Tạp chí Thanh niên phát huy truyền thống 56 năm đoàn kết, xây dựng và phát triển
Nâng cao vai trò của truyền thông trong công tác dân số KHHGĐ
Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Hiện nay, với quy mô dân số gần 95 triệu người, Việt Nam là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 8 Châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á, trong đó có hơn 64 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm trên 68% dân số).
Đây là nguồn nhân lực to lớn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đầu tư phát triển giáo dục, y tế và việc làm cho lực lượng lao động trẻ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò cốt yếu trong giai đoạn hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, vị thành niên, thanh niên Việt Nam (nhóm dân số từ 10 – 24 tuổi) chiếm khoảng trên 22% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.
Theo đó, vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định số 906/QĐ-BYT ngày 15/3/2017 phê duyệt Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016-2020 với nhiều hoạt động, chương trình, mô hình cụ thể giúp nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng đề cập đến thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên tại Việt Nam, bà Phan Thị Lê Mai, Cán bộ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Theo điều tra quốc gia trên 9.768 thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 ở 8 tỉnh và thành phố của Việt Nam cho thấy, thanh thiếu niên vẫn thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Có 7.8% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 đã quan hệ tình dục trước 15 tuổi và chỉ có 54% thanh thiếu niên có sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên
Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai không liên tục là 40.5% trong đó 10,4% là do thất bại của biện pháp tránh thai. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại của nữ độ tuổi 15-24 tuổi là 29.6%. Kết quả điều tra cũng chỉ ra là rất ít vị thành niên tham vấn với cha mẹ và thầy cô giáo trong tìm hiểu thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Theo số liệu báo cáo chính thức của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên.
Đây là những thách thức rất lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên ở nước ta hiện nay.
Do đó, Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam năm nay với chủ đề: “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi” với thông điệp chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên không chỉ là việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai hay sinh hoạt tình dục an toàn, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân còn nhằm các mục đích hết sức thiết thực và to lớn. Đó là chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội. Điều này cần được toàn xã hội, mọi người dân nhận thức và góp phần thực hiện.