Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện mạnh mẽ
Hà Nội quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII tới đội ngũ cán bộ chủ chốt Sớm cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đảng, phấn đấu tăng trưởng kinh tế của Thủ đô đạt 7,5% |
Phát biểu hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội sáng nay (28/12), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Từ năm 2014, hằng năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (những năm đầu là Nghị quyết 19/NQ-CP và từ năm 2019 là Nghị quyết 02/NQ-CP) với các mục tiêu, giải pháp ngày càng cụ thể, bám sát vào các bộ chỉ số của các cơ quan thuộc hệ thống của Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo tại hội nghị |
Năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP không hề giảm, thậm chí nhiều nhiệm vụ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (như dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...). Cộng đồng doanh nghiệp trong nước ghi nhận tích cực những kết quả, tiến bộ trong thực hiện nghị quyết này.
Kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: 81,3% doanh nghiệp cho biết "cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả" (tỷ lệ này năm 2016 là 67,4%); 73,6% doanh nghiệp nhận thấy "cán bộ Nhà nước thân thiện" trong quá trình giải quyết thủ tục (năm 2016 chỉ là 59%); 57,5% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi (năm 2017 là 51,7%)...
Về xếp hạng về phát triển bền vững, Việt Nam tăng 34 bậc từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Đây là bộ chỉ số được Liên hợp quốc xây dựng, đánh giá dựa trên các tiêu chí bám sát 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững (với 169 mục tiêu cụ thể). Các mục tiêu này về cơ bản rất phù hợp với các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Việc Việt Nam được xếp hạng 49 trong khi thu nhập bình quân đầu người còn ở hạng ngoài 100 là minh chứng cụ thể cho tính ưu việt chế độ của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả quan trọng, đáng khích lệ đó, vẫn còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà điểm tuyệt đối và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp và hầu như không được cải thiện về thứ bậc như: Giải quyết phá sản doanh nghiệp (đứng thứ 122); Rào cản phi thuế quan (121); Bảo vệ hệ sinh thái bền vững (110); Đăng ký tài sản (106); Bảo vệ sở hữu trí tuệ (105); Kết nối hạ tầng đường bộ (104).
"Thực tế những năm qua cho thấy Bộ, ngành nào chủ động, quyết tâm thì các chỉ số được cải thiện rõ ràng hơn (điển hình là điện lực, bảo hiểm xã hội, xây dựng).
Tới đây, việc cải thiện vị trí càng khó và đòi hỏi nỗ lực cao hơn vì các quốc gia, nền kinh tế khác cũng rất chú trọng công tác này. Mặt khác, nhiều tiêu chí, chỉ số không chỉ đơn thuần liên quan tới quy định, thủ tục hành chính có thể nhận diện, sửa đổi hoặc bãi bỏ ngay mà còn phải sửa luật và ngày càng có nhiều chỉ số phải nỗ lực liên tục trong một số năm mới có thể cải thiện được; Nhất là liên quan tới hạ tầng, nhân lực và các yếu tố xã hội", Phó Thủ tướng nhận xét.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2021 đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác. Đó là 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, bao gồm lĩnh vực: Cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề.
Cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo, gồm: Chất lượng hành chính đất đai, chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng của sinh viên, rào cản phi thuế quan, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng, mức độ tiếp cận công nghệ thông tin, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến...
Nghị quyết cũng nhấn mạnh 4 bốn nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện. Đó là tập trung khắc phục bằng được những yếu kém, hạn chế trong việc kết nối, phối hợp giữa các cơ quan; Làm rõ hơn vai trò cơ quan đầu mối cho từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu; Phân định và quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho từng cơ quan; Tập trung chỉ đạo chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; Đảm bảo thiết thực, hiệu quả gắn với các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, bước đi cụ thể, kiên trì để tạo chuyển biến vững chắc đối với các tiêu chí có tính chất nền tảng, nhưng rất khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vùng núi, vùng sâu, vùng xa…; Phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững đồng thời phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững (hiện mới có 2.000 doanh nghiệp trong tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp).
Các cơ quan ban ngành tiếp tục chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.