Món quà ý nghĩa sẻ chia với người dân Ma Coong
Ông Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô và ông Phạm Hồng Minh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cảng Hải Phòng, trao tặng xe đạp cho các em học sinh |
Xã biên giới chồng chất khó khăn…
Thượng Trạch là xã vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của huyện Bố Trạch, có diện tích tự nhiên 731,26km2 (gần bằng diện tích tỉnh Thái Bình), cách trung tâm huyện khoảng 120 km đường bộ, có biên giới với nước bạn Lào. Mật độ dân cư phân bố dọc các trục đường giao thông chính chỉ chiếm khoảng 40 - 45%, số còn lại phân bố trong các bản xa, đường đi lại rất khó khăn.
Để đến được với xã này, chúng tôi phải nhờ thầy Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch - Hoàng Đức Hoà làm tài xế, đi theo con đường độc đạo mang tên Đường 20 – Quyết Thắng, một bên là sườn núi đá, một bên là vực thẳm với những khúc qua tay áo rợn người.
Đến nay tuyến đường này đã được tu sửa, nhưng vẫn còn nhiều đoạn hiểm trở, 2 xe tránh nhau khó khăn.
Hai bên đường quốc lộ là những căn nhà được dựng bằng gỗ đơn sơ với diện tích chỉ khoảng 30m2.
Ông Trương Tấn Hưng, Bí thư xã Thượng Trạch, cho biết: Khu vực này là địa bàn sinh sống chủ yếu của ngườ dân tộc Bru – Vân Kiều, Arem… Họ sống biệt lập và ít có sự giao lưu với bên ngoài.
Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp, phương thức canh tác lạc hậu.
Nhằm nâng cao đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã triển khai Dự án Cung cấp điện mặt trời cho các bản của 10 xã điện lưới quốc gia không đến được, trong đó, có xã Thượng Trạch. Tuy nhiên, việc sử dụng điện rất hạn chế, về mùa hè thì đủ dùng, còn mùa đông thì luôn ở trong tình trạng đang dùng thì “sập”. Thậm chí, xã không có chợ để giao thươn. Cả xã có 18 bản nhưng chưa có bản nào có nhà văn hoá, chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn.
Trước đây, địa phường còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu như “Mẹ chết sẽ chôn theo cả con”. Sau một thời gian dài vận động, phân tích, người dân cũng đồng tình và đến nay đã xóa bỏ được tục lệ này.
Giáo viên đi “bắt” học trò!
Kể cho chúng tôi nghe về quá trình gieo con chữ ở đây, thầy Trần Ngọc Dũng, giáo viên Trường Phổ thông dân tốc nội trú Bố Trạch (xã Quảng Trạch) tâm sự: “Trước đây ở xã không có điện thắp sáng, không có điện thoại, dân sống biệt lập tự cung, tự cấp, đời sống kinh tế khó khăn. Chúng tôi phải đến từng nhà vận động các gia đình cho con đến trường.
Nhiều khi phụ huynh còn hỏi “con hươu, coi nai trong rừng có cần học đâu mà nó vẫn sống?” hay như “Đi học về con tôi có được làm chủ tịch xã không?”... Chúng tôi phải giải thích cho họ về tương lai của các em nếu không có văn hoá. Vận động các em đến trường học, được nhà nước bao cấp toàn bộ tiền ăn, ở, sinh hoạt... đã khó, việc giữ chân các em ở trường còn khó hơn nhiều. Cứ thứ bảy, Chủ nhật, các em tự đi theo các con đường suối bỏ về nhà không lên trường nữa. Sáng thứ hai, thứ ba, thầy cô giáo ở đây phải chia tổ, toả về các bản đón các em đến trường.
Hầu hết các giáo viên ở đây đều là người dưới xuôi lên, xa gia đình, ở thập thể 1 tháng mới về nhà. Chúng tôi ngoài việc dạy chữ, còn phải rèn các em nếp sống sinh hoạt tập thể, định hướng nghề nghiệp, vệ sinh môi trường; hướng dẫn các em về tuyên truyền cho bố, mẹ, người thân bỏ những hủ tục lạc hậu”.
Thầy Hoàng Đức Hoà, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch, vận động học sinh đến trường |
Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng – giáo viên văn, cho biết: "Tôi về trường công tác được 5 năm. Chúng tôi rất vất vả về các bản vận động học sinh về trường. Có bản cách xã trường đến gần 60km, đường đất đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt.
Khi chúng tôi về vận động, gia đình họ còn không cho các em đến trường. Tôi lại phải nhờ cán bộ cơ sở, bộ đội biên phòng đến vận động để đưa các em về lại trường. Học sinh ở đây chủ yếu được dạy những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Các em tiếp thu nhanh nhưng hay quên.
Do phong tục, tập quán, các em thường ngại giao tiếp, sống khép mình nên chúng tôi phải tổ chức nhiều hoạt động tập thể, các trò chơi văn hoá thể thao... để các em có môi trường giao tiếp với nhau mạnh dạn hơn".
Thầy Hoàng Đức Hoà, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú, cho biết: “Hơn 10 năm qua, tập thể giáo viên đến đây "gieo" chữ, giờ đã bước đầu mang về mang trái ngọt. Hầu hết các cán bộ xã, bản đều là cựu học sinh của trường, như: Anh Đinh Cu – Chủ tịch UBND xã; chị Y Quyết, Phó bí thư – Chủ tịch HĐND xã".
Chúng tôi hy vọng 5 đến 10 năm nữa, các thế hệ học sinh của trường sẽ trở thành những kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo... trở về phục vụ làng bản”.
Mang hơi ấm đến với người dân vùng cao
Cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, đặc biệt là đợt mưa lũ vừa qua đã làm ngập nhiều trường, nhiều bản bị chia cắt, nên đời sống càng khó khăn hơn. Với tâm nguyện giúp đỡ bà con vùng cao biên giới vơi bớt khó khăn, đặc biệt khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, mới đây, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư Bất động sản Minh Phương (Hải Phòng) vận động, kêu gọi các nhà tài trợ là các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Minh Phương - Đình Vũ (Hải Phòng) và một số đơn vị thành viên Cảng Hải Phòng ủng hộ trên 300 triệu đồng cho trường PTDT nội trú Bố Trạch (xã Thượng Trạch).
Các căn nhà gỗ của đồng bào Ma Coong, bản Ca Ròong 1 |
Ngôi trường này được xây dựng từ năm 2006, cơ sở vật chất thiếu thố, hầu hết học sinh đều là người dân tộc, thuộc hộ nghèo.
Mới đây, Đoàn công tác đã đến trực tiếp nhà trường, tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình khu vệ sinh rộng 25m2 với đầy đủ trang thiết bị, trị giá hơn 215 triệu đồng; Trao 36 chiếc xe đạp cho 36 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Trao tặng đồ nội thất của khu nhà bếp tập thể gồm: 300 chiếc bát, 300 đĩa, 300 đôi đũa Inox, nồi, xoong, chảo… trị giá 12 triệu đồng; Trao tặng 1 tivi 55 inch trị giá 9,7 triệu đồng; Tặng hơn 300 chiếc áo mới cho giáo viên và học sinh nhà trường trị giá 33,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô, chia sẻ: “Với món quà này, báo Tuổi trẻ Thủ đô mong muốn sẽ giúp giáo viên và các em học sinh trong trường vơi bớt khó khăn. Đồng thời, tiếp thêm động lực để các giáo viên kiên trì, bám trụ, hoàn thành tốt sứ mệnh mang con chữ đến với học sinh vùng cao; Giúp các em vượt khó vươn lên trong học tập, sớm trở thành con ngoan, trò giỏi, sau này trở về xây dựng bản làng ngày một giàu mạnh hơn…”.
Các đại biểu tiến hành khởi công công trình Khu nhà vệ sinh của Trường |
Chị Y Dơi – phụ huynh học sinh Cao Hồng Hướng (lớp trưởng lớp 7C) cho biết: “Gia đình tôi là hộ nghèo của xã, điều kiện rất khó khăn. Hiện nay, nhà chỉ còn 4 mẹ con, chồng bỏ đi lấy vợ khác. Công việc chính là trồng lúa và làm nương rẫy. Hàng ngày, tôi phải ở nhà trông con nhỏ, khi nào Hướng đi học về thì trông em để cho mẹ lên rừng làm rẫy, hái rau và bắt cá để phục vụ bữa ăn.
Hàng năm, chúng tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của các đoàn hỗ trợ mới có thể bớt đi chút khó khăn. Tôi rất vui mừng và cám ơn Đoàn công tác đã tặng xe đạp cho con tôi để cháu có phương tiện đi lại. Đây là tài sản lớn nhất trong gia đình tôi”.
Chị Y Dơi và học sinh Cao Hồng Hướng vui mừng khi được Đoàn tự thiện đến tăng xe đạp |
Chị Y Tên – mẹ của học sinh Nguyễn Văn Mừng (lớp 8B) chia sẻ: “Gia đình tôi sinh sống tại bản Cà Ròong 1 đã gần 20 năm nay. Hàng ngày, tôi phải lên rẫy để làm nương, kiếm rau về để nấu cơm cho gia đình. Tôi luôn ước mơ là mua cho Mừng chiếc xe đạp để đi đến trường nhưng do điều kiện khó khăn, nên không mua được. Nay con tôi có xe đạp rồi, tôi vui lắm”.
Phó hiệu trưởng – Trần Văn Hậu chia sẻ thêm: “Tôi rất phấn khởi khi chứng kiến hình ảnh các em học sinh hào hứng mặc áo mới, đạp xe đi tung tăng khắp bản Cà Ròong 1, Ca Ròong 2. Những món quà của Đoàn công tác sẽ tiếp thêm động lực, giúp cho các em và giáo viên nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học”.
Thầy Hoàng Đức Hoà cho biết: “Ở đây khó khăn lắm, giáo viên lên đây dạy học phải chấp nhận xa người thân, ít khi được về nhà. Thậm chí, có một giáo viên nữ mới sinh con được 6 tháng tuổi cũng phải ở mang cả con đến trường để vừa dạy vừa tiện trông con.
Không những vậy, người dân ở đây đều là người dân tộc nên nhận thức của họ cũng rất hạn chế. Hầu hết, phụ huynh thường có suy nghĩ cứ mang con đến gửi cho nhà trường là xong, không cần biết con mình học hành ra sao, sức khỏe như thế nào.
Bản thân tôi đã nhiều lần đưa học sinh đi cấp cứu vào ban đêm. Lúc đó, toàn giáo viên, không có người nhà nên chúng tôi lo lắng lắm, nếu có xảy ra chuyện gì thì cũng không biết nên làm thế nào. Bởi vậy, chúng tôi phải cử giáo viên đến tận nhà phụ huynh của học sinh đó để đưa đến trường rồi cùng đi cấp cứu.
Học sinh cứ đến cuối tuần là trốn về, nếu như sang đầu tuần, giáo viên mà không đến từng nhà đón thì học sinh đó cũng không đến trường nữa”.
Các nữ sinh của Trường phổ thông dân tốc nội trú Bố Trạch |
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch nhận định: “Tôi luôn hướng tới mục đích là thay đổi những phong tục tập quán lạc hậu và những suy nghĩ cổ hủ của người dân, để các thế hệ sau noi theo. Điều này là rất khó, vì những suy nghĩ đó đã tồn tại từ rất lâu, nên chắc chắn không phải dễ dàng thay đổi ngay được, mà phải mất vài năm, thậm chí là hàng chục năm.
Ông Trương Tấn Hưng, Bí thư Đảng uỷ; ông Đinh Cu, Chủ tịch UBND và bà Y Quyết, Chủ tịch HĐND xã Thượng trạch trao đổi với Phóng viên Báo TTTĐ |
Thay mặt Đảng uỷ, chính quyền địa phương chúng tôi rất cảm ơn sự động viên kịp thời, ý nghĩa của Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô và các Doanh nghiệp như Công ty CP Đầu tư bất động sản Minh Phương, Cảng Hải Phòng… Những món quà của các anh, các chị trao tặng cho học sinh địa phương thực sự rất ý nghĩa, tiếp tục lan toả hơi ấm tình người đến với những xã còn đặc biệt khó khăn như Thượng Trạch chúng tôi”.