Một số địa phương chậm trễ trong phân bổ vắc xin COVID-19
Một số địa phương tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 rất thấp
Sáng 28/6, theo báo cáo của Chương trình tiêm chủng quốc gia, kết quả tiêm nhắc 1 (mũi 3) là 44.867.465 mũi tiêm (đạt 66,8%)
Trong đó, một số tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi 3 rất thấp như Khánh Hòa (41,8%); Bình Thuận (34,7%); Sóc Trăng (38,3%); Cà Mau (37,7%); Hậu Giang 35,1%), Đồng Nai (43,4%)
Các tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi 3 cao là Ninh Bình (90,9%); Thanh Hóa (93,3%); Bắc Giang (95,3%), Bến Tre (91,8%)
Kết quả tiêm nhắc 2 (mũi 4) là 3.831.205 mũi tiêm (đạt 5,7%). Trong đó, một số tỉnh tiêm mũi 4 thấp: Phú Thọ (1,1%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,3%); Nghệ An (1,2%); Quảng Nam (0,9%); Bến Tre (1,7%).
Ảnh minh hoạ |
Các tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi 4 cao là Bắc Giang (23,1%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế có nhiều Công điện gửi UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường tiếp nhận và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó đề nghị khẩn trương tiếp nhận, sử dụng vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ.
Tuy nhiên theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận hết số vắc xin được phân bổ, một số địa phương tiến độ tiêm chậm so với số vắc xin được phân bổ, dẫn đến nguy cơ cao không sử dụng hết vắc xin phải hủy bỏ.
Phân tích nguyên nhân, các chuyên gia tiêm chủng cũng như các địa phương đều cho rằng sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: "Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, xác định đối tượng tiêm, tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm vắc xin cho các đối tượng theo hướng dẫn".
"Căn cứ vào kế hoạch được phân bổ vắc xin, xây dựng kế hoạch tiêm từng tuần, tiêm ở địa phương nào, đơn vị nào, ai chịu trách nhiệm giám sát… Có như thế chúng ta mới tiêm hết vắc xin và hết đối tượng theo hướng dẫn"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ: Chúng ta đã kiểm soát được tình hình và chuyển sang bình thường mới. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là vì dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ quay lại tăng số mắc, trên thực tế một số quốc gia đã tăng ca bệnh trở lại. Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hiệu quả bảo vệ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ
Theo thống kê của Bộ Y tế số ca COVID-19 mới tăng lên, số F0 nặng cũng gia tăng, trong bối cảnh biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 gia tăng trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vắc xin phòng COVID-19.
Các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine để phòng mắc COVID-19 là trên 50% |
TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19; 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc xin và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.
"Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản"- TS Dương nói.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron.
Do vậy việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người: Người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng;
Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Về hiệu quả bảo vệ của vắc xin, TS Vương Ánh Dương cho biết thêm: Các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vắc xin để phòng mắc COVID-19 là trên 50%.