Năm 2024 tuyển sinh hơn 1.000 nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn
Sự thiếu hụt chip bán dẫn có thể khiến ngành ô tô sụt giảm 210 tỷ USD doanh thu trong năm 2021 |
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết tại phiên thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 1/11.
Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục đã nhận thức rõ được trọng trách sứ mệnh của mình trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Sơn cho biết, nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ của mình.
Hiện nay khoảng 50 - 100 nghìn nhân lực cần có cho ngành bán dẫn có thể chia thành nhiều nhóm chuyên môn với trình độ, yêu cầu khác nhau; hiện đang ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn |
Theo ông Sơn, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo lĩnh vực trực tiếp hoặc gần với ngành bán dẫn.
Các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh thì có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn.
Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Ông Sơn nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn.
Theo dự kiến, năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp về thiết kế vi mạch bán dẫn và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7000 học viên.
"Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết và đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.