Nâng cao chất lượng, hiệu quả quan trắc môi trường
Tầm quan trọng của quan trắc môi trường với doanh nghiệp hiện nay Hà Nội dẫn đầu cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường |
Hệ thống quan trắc môi trường của Công ty xi măng và khoáng sản Yên Bái |
Theo dự thảo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2019 của Bộ TN&MT, có hai nguồn gây ô nhiễm môi trường, đó là từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước và từ bên ngoài.
Sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước được thể hiện rõ qua sự hình thành và hoạt động của các Khu Công nghiệp (KCN), Cụm Công nghiệp (CCN), làng nghề, khu đô thị, dân cư tập trung. Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 372 KCN đã được thành lập (cả trong và ngoài Khu Kinh tế (KKT) ven biển) trong đó có 280 KCN đã đi vào hoạt động (tăng 29 KCN so với năm 2018) và 92 KCN đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản; 698 CCN đang hoạt động (tăng 9 CCN so với năm 2018).. Khoảng 4.575 làng nghề, trong đó có 2.009 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận (tăng 170 làng so với năm 2018); có 833 đô thị (tăng 20 đô thị so với năm 2018), tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,2%, tăng 0,8% so với năm 2018.
Song song với sự tăng lên về số lượng của các Khu, Cụm Công nghiệp là sự tồn tại của những dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hoá dầu, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; chế biến thuỷ sản, giết mổ gia súc, gia cầm... Trong đó, hiện có trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy; 25 nhà máy nhiệt điện than đã vận hành thương mại với tổng công suất lắp đặt là 18.294 MW; 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên…Nhiều cơ sở có nguồn phát thải lớn như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, các dự án nhiệt điện tại trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Dự án “Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng”...
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, năm 2019, số lượng container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển đã giảm đáng kể so với năm 2018 nhưng vẫn còn rất lớn.Số liệu tính đến tháng 11/2019, số lượng container phế liệu được lưu giữ tại cảng biển của Việt Nam là 8.748 container, giảm 17.567 container so với năm 2018. Trong đó, có 3.102 container được lưu dưới 30 ngày, 46 container lưu tại kho, bãi từ 30 - 90 ngày và 5.600 container tồn đọng tại kho, bãi, cảng trên 90 ngày.
Nhìn một cách rộng hơn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội, sản xuất, thay đổi nền tảng quản lý môi trường dựa trên công nghệ internet vạn vật. Công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới thân thiện với môi trường,…đã bước đầu thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính phát thải lớn sang các mô hình kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh gia tăng nhanh dân số, sức ép của tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu và năng lượng làm gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Điều hiện hữu là biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, tác động mạnh đến môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an ninh sinh thái, an ninh lương thực, là nguy cơ hiện hữu đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước của Việt Nam. Tác động của biến đổi khí hậu làm cho vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học ở nước ta ngày càng phức tạp, khó lường hơn.
Việc xây dựng hệ thống quan trắc tự động liên tục ở các địa phương là yêu cầu của Bộ TN&MT theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 38/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Từ ngày 16/4/2019, Bộ đã có công văn số 1729/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện truyền nhận số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục và giao Tổng cục Môi trường thực hiện chuyển giao phần mềm Envisoft (phần mền quản lý dữ liệu quan trắc tự động) để hỗ trợ địa phương quản lý và truyền nhận số liệu quan trắc tự động.
Thực hiện nhiệm vụ này, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục để giám sát chặt chẽ hoạt động phát thải.
Tháng 2/2020, Sở TN&MT Yên Bái đã mời các chuyên gia của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc và tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với hệ thống quan trắc tự động của Nhà máy xi măng thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Yên Bình.
Đến tháng 6/2020, Sở TN&MT đã lắp đặt 1 trạm tiếp nhận số liệu quan trắc tự động (trước đây việc tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động thực hiện trên cơ sở hạ tầng của Tổng cục Môi trường). Trạm tiếp nhận giúp kết nối hệ thống quan trắc tự động từ hai nhà máy xi măng trên địa bàn, chính thức đưa hệ thống quan trắc tự động đi vào hoạt động tại tỉnh Yên Bái.
Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho rằng: “Việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động là công cụ rất hữu hiệu để thực hiện việc theo dõi, quản lý giám sát của cơ quan quản lý. Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục lập dự án đầu tư hệ thống trạm quan trắc tự động môi trường không khí, nước mặt tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Khi triển khai dự án, Sở TN&MT sẽ thực hiện lắp đặt và truyền số liệu từ các trạm quan trắc để theo dõi tình hình môi trường không khí, môi trường nước. Từ đó, đưa ra cảnh báo mức độ ô nhiễm và đề xuất với UBND tỉnh để có các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh”, ông Hà Mạnh Cường nói.
Tại Hà Nội, Sở TN&MT cho biết: Trên địa bàn thành phố, có 26/43 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động ổn định đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn Thành phố. Sở cũng đang quản lý 33 trạm quan trắc không khí tự động trong đó có 24 trạm quan trắc do công ty Hàn Quốc tài trợ. Sở thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư các CCN lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Khu vực quan trắc, kiểm soát môi trường của Công ty xi măng và khoáng sản Yên Bái |
Đối với các Dự án đầu tư hệ thống xử lý thải tập trung cho các CCN bằng nguồn vốn ngân sách, phía Sở TNMT Hà Nội đang đề nghị Chủ đầu tư rà soát, báo cáo UBND Thành phố xem xét, chấp thuận điều chỉnh Dự án để bổ sung hạng mục lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động nước thải theo quy định.
Riêng đối với các CCN được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, Sở sẽ tập trung đôn đốc, giám sát yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trường lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động truyền về Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội trước ngày 31/12/2020 theo quy định.
Theo Bộ TN&MT, đến tháng 6/2020, đã có gần một nghìn trạm quan trắc tự động trên cả nước thực hiện việc kết nối số liệu quan trắc tự động liên tục về Bộ. Nhờ đó, Bộ TN&MT đã bước đầu công bố chỉ số chất lượng môi trường không khí xung quanh trên ứng dụng bằng nền tảng di động. Thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm EnviSoft và ứng dụng này để sử dụng thống nhất trong cả nước.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, quan trắc môi trường tự động đã và đang đáp ứng kịp thời, đầy đủ, chính xác những yêu cầu bức thiết của xã hội về kiểm soát, theo dõi, cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường.
Tuy vậy, số lượng, quy mô và mật độ các trạm còn thưa và phân bố không đồng đều nên chưa phản ánh được đầy đủ, kịp thời bức tranh hiện trạng môi trường như môi trường không khí. Việc ứng dụng các công nghệ quan trắc hiện đại đã triển khai nhưng còn chậm. Công tác duy trì vận hành các trạm tự động gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu dữ liệu phục vụ công bố thông tin, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, tổng số trạm quan trắc môi trường không khí tự động do Bộ TN&MT quản lý là 17 trạm, gồm 10 trạm quan trắc môi trường không khí tự động thuộc quản lý trực tiếp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và 7 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý trực tiếp. Các thông số quan trắc bao gồm: Bụi (PM10, PM2.5, PM1), NOx, SO2, CO, O3, BTX, THC và các thông số vi khí hậu như: Hướng gió, tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, bức xạ mặt trời.
Tại các địa phương, thống kê trên 45/63 địa phương cho thấy, 40/45 (89%) địa phương có hệ thống trạm quan trắc tự động liên tục (bao gồm quan trắc môi trường xung quanh hoặc quan trắc phát thải). 11/45 (24%) địa phương có hệ thống trạm quan trắc môi trường xung quanh. Chỉ có 5/45 (11%) địa phương chưa có trạm quan trắc tự động, liên tục.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, do thiếu kinh phí nên việc quan trắc môi trường theo phương pháp bán tự động (manual monitoring) với tần suất quan trắc rất thưa như hiện nay (4 - 6 lần/1 năm đối với môi trường không khí) không theo kịp được các vấn đề môi trường, không đáp ứng nhu cầu phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề môi trường.
Trước thực trạng đó, Tổng cục Môi trường cho rằng, bên cạnh việc duy trì hoạt động quan trắc bán tự động, nhu cầu tăng cường đầu tư một cách đồng bộ các thiết bị quan trắc tự động tiên tiến và hiện đại để giám sát chất lượng môi trường tại những nơi, những vùng chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội là cấp thiết.
Do đó, việc tăng cường, mở rộng, đưa vào vận hành mạng lưới các trạm tự động một cách hợp lý, duy trì hoạt động ổn định, lâu dài nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hệ thống các dữ liệu về chất lượng môi trường, thông tin kịp thời cho các cấp, các ngành phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách hiện nay. Qua đó, tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường các khu vực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường ở nước ta sớm hội nhập với hệ thống quan trắc môi trường trong khu vực và toàn cầu.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |