Nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội
Đại biểu Quốc hội quan tâm đến thu hút nhân tài cho Thủ đô Đoàn đại biểu Quốc hội TP tặng quà Tết gia đình chính sách Mang tiếng nói của cử tri tới nghị trường Quốc hội |
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Ủy viên Thường trực HĐND TP...
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị |
Từng bước đổi mới và ngày càng thực chất
Phát biểu đề dẫn hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh, tiếp xúc cử tri (TXCT) là nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử, là dịp để Nhân dân được cung cấp những thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Qua đó để đại biểu Quốc hội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Thời gian qua, hoạt động TXCT của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội được tổ chức chu đáo, luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, HĐND các cấp. Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri được thực hiện đầy đủ, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Các đại biểu Quốc hội TP ngày càng tăng cường hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân. Các buổi TXCT đã thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân trên địa bàn TP.
Hoạt động TXCT của các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội luôn được quan tâm và từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả và ngày càng thực chất hơn. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức được 182 cuộc TXCT, trong đó có 6 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu đề dẫn hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về dự cần thiết sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQ ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc TXCT; công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động TXCT...
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Đống Đa đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm tới tình hình kinh tế - xã hội của đơn vị bầu cử nơi mình tiếp xúc. Trong khi đó, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Long Biên bày tỏ mong muốn đại biểu Quốc hội dành thời gian đi cơ sở nhiều hơn, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân nơi mình ứng cử; dành thời gian tham dự hội nghị đại biểu Nhân dân tại địa bàn để lắng nghe được nhiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân...
Đa dạng hoá các hình thức tiếp xúc cử tri
Về giải pháp nâng cao hiệu quả TXCT của đại biểu Quốc hội TP trong thời gian tới, Phó trưởng Ban công tác đại biểu của Quốc hội Tạ Thị Yên cho rằng, cần đánh giá rút kinh nghiệm từ các cuộc TCXT; các giải pháp gắn với tính đặc thù trong hoạt động của đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; bảo đảm quy trình, nội dung, thành phần tham dự TXCT; tăng cường đối thoại, đa dạng hình thức TXCT để nắm bắt thông tin theo chiều rộng, sâu; tăng cường công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của TP về nội dung, thời gian, thành phần TXCT để Nhân dân biết và cùng tham dự.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị |
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Quốc hội TP cần tiếp tục tổ chức TXCT chuyên đề, trực tiếp, theo nhóm; công tác chuẩn bị thực hiện chu đáo, bài bản để việc thực hiện Nghị quyết liên tịch hiệu quả hơn, ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng; đồng thời qua đó người dân phát huy được quyền làm chủ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, mỗi đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thời gian tới tham gia trách nhiệm, đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri và thực hiện đúng chương trình hành động; đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri, tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề, theo nhóm đại biểu Quốc hội, tại nơi cư trú theo lĩnh vực ngành nghề... để chuyển tải ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội.
Đồng thời, các cơ quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động tiếp xúc cử tri; đôn đốc, theo dõi việc giải quyết kiến nghị và yêu cầu các cơ quan trả lời rõ các kiến nghị.