Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số
Chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực
Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển, triển khai thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.
Yên Bái thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới |
Do đó, nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực; Quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; Khống chế được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức 0,2-0,4 điểm phần trăm/năm. Một số mô hình về nâng cao chất lượng dân số được xây dựng và thực hiện có hiệu quả.
6 tháng đầu năm 2022, số trẻ sinh giảm 415 trẻ so với cùng kỳ năm 2021, có 729 trẻ là con thứ 3 trở lên - chiếm 14,7% (tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 70%. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 trẻ em trai/100 trẻ em gái…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Yên Bái vẫn là một trong 3 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước.
Năm 2021, tỉnh có 1.755 trẻ là con thứ 3 trở lên (chiếm 14,5%). Kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh nhằm kìm hãm quy mô dân số trong thời gian gần đây có phần chững lại. Mức sinh chung của tỉnh giảm trung bình hàng năm chỉ đạt mức 0,1-0,25%o (giai đoạn trước giảm 0,3%o).
Mức sinh giảm không đồng đều giữa các địa bàn trong tỉnh, có 5 huyện, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái mức sinh thấp hơn hoặc tương đương với mức sinh chung của tỉnh; Riêng 2 huyện vùng cao tỷ suất sinh thô vẫn ở mức cao (trên 20%o).
Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng (năm 2011 là 9,1%; năm 2021 là 14,5%, trong đó số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải chiếm tới 40% số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên của toàn tỉnh).
Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng không chỉ ở các huyện miền núi, nông thôn mà ở cả khu vực thành thị, vùng đồng bằng. Mất cân bằng giới tính khi sinh tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao. Dân số của tỉnh bước vào giai đoạn già hóa nhưng chưa có giải pháp đồng bộ để thích ứng.
Đối mặt với nhiều thách thức
Một vấn đề nữa là chưa quản lý được tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nhất là ở vị thành niên, thanh niên; Tình trạng đẻ sớm, đẻ dày gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ vẫn diễn ra đặc biệt ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ phụ nữ mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên chiếm 6,4% tổng số phụ nữ sinh con, trong đó huyện Trạm Tấu 16,2%, Mù Cang Chải 15,5%, Văn Chấn 10,6%... Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số có năng lực, trình độ là yêu cầu cấp thiết.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn tuyên truyền về thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tới hội viên (Ảnh: Thu Hạnh) |
Hiện nay, đội ngũ làm công tác dân số trên địa bàn tỉnh có 233 người. Trong đó, tuyến tỉnh 11 người, tuyến huyện 49 người, tuyến xã 173 người và gần 2.000 cộng tác viên dân số.
Đây là những người trực tiếp truyền thông, vận động người dân thực hiện Pháp lệnh dân số và tiếp cận với dịch vụ KHHGĐ, các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như: Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, khám sức khỏe trước kết hôn, khám sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số…
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân số các cấp góp phần xây dựng đội ngũ làm công tác dân số và cộng tác viên dân số có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, để nâng cao năng lực đội ngũ này trong tình hình mới, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 20/10/2021 về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, đối tượng được đào tạo là lãnh đạo quản lý công tác y tế dân số các cấp; Công chức, viên chức làm công tác dân số tuyến tỉnh, huyện, xã; Công chức, viên chức y tế phụ trách về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dịch vụ KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số tỉnh, huyện, xã; Cộng tác viên dân số thôn, làng, tổ dân phố.
Nội dung đào tạo tập trung vào các kiến thức về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số; Các nội dung về dân số và phát triển; Công tác quản lý về dân số phát triển trong tình hình mới; Các nội dung về tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số; Nâng cao chất lượng dân số sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cần tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách về công tác DS-KHHGĐ tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên nhằm đạt chỉ tiêu giảm sinh, đạt mức sinh thay thế theo kế hoạch được giao đến năm 2025.
Ngoài ra, Yên Bái tiếp tục huy động và nâng cao trách nhiệm, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ dân số; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông dân số; nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ cũng như củng cố ổn định tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác dân số cơ sở…