Nâng cao trách nhiệm giám sát của chính quyền trong quản lý nhà chung cư
Quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư là vấn đề khó, phức tạp, phải có giải pháp tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng khoa học, hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo đảm vừa phát triển mạnh về nhà ở, vừa duy trì môi trường các nhà chung cư lành mạnh để người dân sinh sống.
Vì vậy, thời gian qua, thành phố sớm ban hành quy định cụ thể về việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư để thống nhất triển khai theo nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả với đầy đủ giải pháp cụ thể để khắc phục các hạn chế, có chế tài mạnh xử lý nghiêm các vi phạm.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng người dân tập trung đông người, căng treo băng rôn, đấu tranh đòi hỏi quyền lợi với chủ đầu tư, với ban quản lý các khu chung cư liên quan đến việc quản lý, vận hành, cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ…
“Để giải quyết vấn đề này, tôi kiến nghị Thành ủy Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận hành khu chung cư, nhà chung cư, giải quyết dứt điểm các tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân; Cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà chung cư đối với các hộ dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, tránh để phát sinh các vụ việc phức tạp kéo dài gây mất ổn định an ninh, trật tự ở địa phương”, ông Thảo kiến nghị.
Thông tin về công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện thành phố có 1.135 toà chung cư đã đưa vào sử dụng và có 132 chung cư xây dựng trước thời điểm Luật Xây dựng nhà ở năm 2005, đến nay đã có 820 toà lập được ban quản trị.
Trong quá trình thực hiện, thành phố đã quan tâm chỉ đạo việc quản lý, vận hành các nhà chung cư trên địa bàn. Cụ thể, năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội"; Năm 2020, UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định 29/2020/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP về quản lý và sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố...
Cùng với ban hành các văn bản chỉ đạo, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội tập huấn, hướng dẫn cho các quận, huyện, ban quản trị, chủ đầu tư trong việc quản lý, vận hành…
Tuy nhiên, hiện công tác quản lý, vận hành vẫn còn khó khăn, bất cập, do trong quá trình quản lý, sử dụng chủ đầu tư có vi phạm; Chưa thực hiện công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa người dân vào ở gây khó khăn cho quản lý, vận hành, gây xung đột lợi ích, chậm bàn giao quỹ bảo trì... Những vấn đề này chưa được quan tâm giải quyết kịp thời nên xảy ra tranh chấp tại một số chung cư.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, thành phố sẽ tập trung vào 4 giải pháp chính: Tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan rà soát vấn đề bất cập trong Luật Nhà ở, các nghị định, thông tư, hướng dẫn để góp ý, bổ sung trong quá trình điều chỉnh Luật Nhà ở; Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong nắm bắt, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từ cơ sở trong công tác quản lý, vận hành; Chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư, ban quản trị, chính quyền địa phương trong công tác quản lý; Yêu cầu chủ đầu tư, ban quản trị thực hiện nghiêm quy định liên quan đến quản lý về trật tự xây dựng, vận hành nhà chung cư, hạn chế bức xúc của người dân trong quản lý quỹ, bảo trì, sử dụng sai công năng...