Nâng cao vai trò của các cấp uỷ Đảng trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Hànộimới nhấn mạnh, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm luôn được Thành ủy – HĐND - UBND thành phố quan tâm chỉ đạo. Trong nhiều năm qua, Thành phố luôn kiên trì thực hiện “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đó là dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất trong bảo quản nông sản thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; vấn đề chế biến thực phẩm còn nhiều bất cập; quá trình giao thương, trao đổi trên thị trường vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông… Trong khi đó ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng còn chưa cao…
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, cần sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của các Quận ủy, cấp ủy Đảng cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp trong công tác này.
“Việc tổ chức buổi tọa đàm nhằm thông qua đánh giá vai trò lãnh đạo của các Quận ủy cũng như Đảng ủy, chi bộ cơ sở; những kinh nghiệm triển khai của chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp để làm rõ hơn thực trạng về công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn TP để đề xuất, hiến kế thực hiện tốt hơn việc quản lý, nâng cap ý thức trách nhiệm của người sản xuất và người tiêu dùng” – ông Long cho hay.
Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều câu hỏi của độc giả tập trung vào các vấn đề như: việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; những chính sách hỗ trợ của Thành phố cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch… Buổi tọa đàm cũng đem đến cho độc giả những thông tin hữu ích như: cách nhận biết thực phẩm an toàn; những mô hình hay về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Chia sẻ về “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” trên địa bàn quận, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Bí thư thường trực Quận uỷ Thanh Xuân cho biết, ngay khi Quận uỷ Thanh Xuân ra nghị quyết và yêu cầu HĐND quận xây dựng đề án thực hiện công tác VSATTP, các cấp lãnh đạo của quận đã quyết định chọn tuyến phố Thượng Đình và quyết tâm bảo đảm từ đầu vào cung cấp thực phẩm đến chế biến và tiêu dùng. Ngay khi chọn tuyến phố Thượng Đình, Sở Y tế đã xuống địa bàn để hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm với người sản xuất, kinh doanh. Sau đó, các đồng chí Phó chủ tịch quận, phường đã xuống tận nơi giải đáp thắc mắc cho các hộ kinh doanh, từ đó thay đổi nhận thức thành hành động của các chủ kinh doanh.
“Tuyến phố Thượng Đình đi vào hoạt động từ tháng 12/2017 và đến nay đã có 100% hộ kinh doanh đồng thuận thực hiện “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm”. Việc làm này đã góp phần phát triển kinh tế địa địa phương, người tiêu dùng và nhân dân cũng có địa chỉ an toàn để mua thực phẩm, bảo đảm sức khoẻ” – Ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ và cho biết, từ những thành công bước đầu của mô hình thí điểm, quận Thanh Xuân phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi phường có 1-2 tuyến phố điểm.
Cũng tại buổi Tọa đàm, một trong những vấn đề được độc giả đặc biệt quan tâm vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đảm bảo VSATTP tại các bếp ăn tập thể, trường học. Chia sẻ về nội dung này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết: Hiện nay, các nhà trường có hai hình thức duy trì bếp ăn ở trường, đó là tự nấu hoặc kí hợp đồng thuê người ngoài. Dù ở hình thức nào thì nhà trường đều phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của học sinh.
Ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, để bảo đảm vệ sinh ATTP trong nhà trường, cần phải có sự chung tay và trách nhiệm từ nhà trường và gia đình. Việc giao nhận bữa ăn hay giao nhận thực phẩm cần có sự giám sát của đại diện cán bộ nhà trường, cán bộ y tế và cha mẹ học sinh.
Còn theo Phó Bí thư Thường trực quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường, quận đã chỉ đạo các phường, các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và phụ huynh để mọi người hiểu về ATTP, nhận biết các dạng thực phẩm, chế phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, UBND quận, các đoàn thể, thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP tại các bếp ăn tập thể, do vậy, đến nay tại các bếp ăn trên địa bàn quận luôn được đảm bảo, không xảy ra các trường hợp bị ngộ độc…
Kết thúc buổi tọa đàm, Phó TBT Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh hy vọng, sau buổi toạ đàm này, bạn đọc sẽ có được những thông tin hữu ích, những kiến thức quan trọng về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đồng thời thông qua tọa đàm đẩy mạnh công tác truyền thông; góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm.