Nâng cao vị thế, chất lượng giáo dục đào tạo bắt nguồn từ đội ngũ nhà giáo
Để có được thành tựu đó là phần đóng góp công sức không nhỏ của những “kỹ sư tâm hồn” thầm lặng trong sự nghiệp “trồng người”.
Những tấm gương nhà giáo tiêu biểu
Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, người thầy luôn có vị trí quan trọng trong việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Thời gian qua, bằng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp "trồng người", đội ngũ các nhà giáo Thủ đô đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, sáng tạo để truyền tải kiến thức, đưa những bài giảng chất lượng, giờ học hay đến với lớp lớp các thế hệ học trò. Thầy Nguyễn Đức Trường, giáo viên dạy Toán trường THCS Đa Tốn, huyện Gia Lâm là một người thầy như thế.
Thầy Nguyễn Đức Trường, giáo viên dạy Toán trường THCS Đa Tốn, huyện Gia Lâm là tấm gương nhà giáo Thủ đô tiêu biểu, hết lòng vì học trò |
Không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, từ khi sinh ra thầy Trường đã mắc chứng teo cơ bẩm sinh do ảnh hưởng của người bố nhiễm chất độc màu da cam. Dù chịu nhiều lời trêu trọc từ bạn bè nhưng thầy Trường không nản chí, luôn cố gắng vượt lên số phận để trở thành một nhà giáo mẫu mực, tài giỏi.
Thầy là chủ biên và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách về Toán, đã tham gia bồi dưỡng hàng trăm học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và có rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp quận, cấp thành phố. Năm 2019, thầy được Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp Sở GD&ĐT Hà Nội trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Năm 2020, thầy là một trong 10 cá nhân được UBND TP vinh danh Công dân ưu tú Thủ đô.
Không chỉ là tấm gương tiêu biểu về dạy học, trong thời điểm ngành giáo dục Thủ đô gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cô Trương Thị Hiền, giáo viên trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) đã xây dựng thành công ứng dụng Sổ tay đến trường với nhiều tính năng ưu việt, gỡ vướng cho phụ huynh và đồng nghiệp trong quản lý, hỗ trợ học sinh học trực tuyến. Đến nay, ứng dụng được nhiều đồng nghiệp chia sẻ và bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt về chất lượng dạy học.
Có thể nói, trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước; Trong đó, 100% giáo viên đứng lớp ở các cấp, bậc học có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Đây là yếu tố giữ vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng cho ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát triển bền vững.
Tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng giáo dục
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Thủ đô có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,2 triệu học sinh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại và đạt chuẩn; Nhiều loại hình đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em Nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Toàn ngành có hơn 150.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Chỉ tính 5 năm gần đây, học sinh Hà Nội đã giành được 675 giải quốc gia và 82 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Hiện tại, Hà Nội là một trong 4 địa phương đầu tiên trên cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Trong những năm qua, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục Hà Nội liên tục được nâng lên |
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 10/2022, toàn thành phố có hơn 1.500 trường công lập đạt chuẩn, chiếm 68% tổng số trường. Nhiều đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn cao hơn mức trung bình của thành phố như huyện Gia Lâm, quận Thanh Xuân, quận Long Biên, quận Nam Từ Liêm... Hà Nội là địa phương đầu tiên đào tạo song bằng ở các trường công lập.
Dù vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ trường đạt chuẩn giữa các địa bàn song về cơ bản, những nỗ lực trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của các quận, huyện, thị xã đã và đang gặt hái quả ngọt, tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục.
Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo Thủ đô tiêu biểu của ngành Giáo dục Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam - một ngày lễ kỷ niệm có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Đây là dịp để mọi ngành, nghề bày tỏ lòng biết ơn, tôn vinh công lao to lớn của các thầy cô giáo với sự nghiệp trồng người - những người đã góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc. Biết ơn các thầy, cô giáo, lớp lớp thế hệ học trò Thủ đô hôm nay luôn cố gắng vượt qua khó khăn, không ngừng học tập, nghiên cứu, phấn đấu là những công dân tốt, lao động giỏi; Là lực lượng nòng cốt, chung tay, góp sức vì sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
“Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo TP, với sự quyết tâm của toàn ngành, Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ 3 cấp học; Là một trong 4 địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hà Nội luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về giáo dục.
Những thành tích, vinh dự đó có phần đóng góp công sức rất lớn của các thầy giáo, cô giáo - những “kỹ sư tâm hồn”, đã và đang miệt mài, thầm lặng, cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Đồng chí Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Cờ Thi đua xuất sắc, Bằng khen của Chính phủ và tặng hoa cho các tập thể và cá nhân ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội |
Ghi nhận những thành tích của ngành Giáo dục Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: 40 năm qua ngành Giáo dục Thủ đô đã nỗ lực, vượt qua không ít khó khăn, đạt được nhiều thành tích quan trọng và toàn diện, tạo những bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả trong công tác dạy và học. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển.
Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát mạng lưới trường học đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 79%. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới. Các mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, khu vực được hình thành và phát triển hiệu quả. Chất lượng giáo dục đại trà luôn ổn định, là nền tảng quan trọng để phát triển giáo dục mũi nhọn. Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Công tác liên kết, hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo được tăng cường, mở rộng với nhiều loại hình mới.
Những kết quả toàn diện của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong 40 năm qua là minh chứng rõ nét, ghi nhận và khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực, kiên trì phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các thế hệ thầy, cô giáo, cán bộ, công chức và người lao động trong ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), ngày 10/11, 40 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 155.000 nhà giáo của Thủ đô đã vinh dự nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 6, năm 2022. Đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên, duy nhất của cả nước triển khai giải thưởng này nhằm tôn vinh, khích lệ các nhà giáo có sáng kiến, ý tưởng khắc phục khó khăn, nâng hiệu quả giáo dục, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở từng nhà trường. Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà nhận xét, qua 6 năm triển khai, giải thưởng ngày càng khẳng định sức hút mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực đối với toàn đội ngũ trong việc vận dụng, lan tỏa sáng kiến, ý tưởng sáng tạo để giải quyết những bất cập, khó khăn cụ thể tại từng đơn vị; Tạo nên sự chuyển biến chung của toàn ngành với quyết tâm giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. |