Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa mang hiệu quả nhân ba
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19
Bài liên quan
Thủ tướng Chính phủ dự khai trương 2 sản phẩm công nghệ giúp phòng chống COVID-19
Thí điểm mô hình khám, chữa bệnh từ xa trong giai đoạn cách ly xã hội
Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 sau 48 giờ
Novaland trao tặng Bệnh viện Nhân dân 115 trang thiết bị y tế cấp thiết
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, phòng Covid-19
Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, được truyền hình trực tuyến tại các điểm cầu trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một số bệnh viện đa khoa cơ sở.
Chương trình thí điểm đầu tiên được khai trương vào sáng thứ Bảy ngày 18/4/2020 với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng sự tham gia của Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng các bác sĩ, chuyên gia uy tín của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Tim Mạch Việt Nam, Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
"Nền tảng khám chữa bệnh từ xa" do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) chủ trì xây dựng, đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám, chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế gồm: Tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá "Việc ra mắt "Nền tảng khám chữa bệnh từ xa" có ý nghĩa quan trọng, giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ khám, chữa bệnh, giảm chi phí đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, hình thức này giúp giảm số người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên, giúp xã hội và ngành Y tế tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất".
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa để kết nối với các BV tuyến dưới |
Tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã sử dụng "Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa" để kết nối với Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mạn tính; kết nối với Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp; kết nối trực tiếp với bệnh nhân tại xã Quảng Trạch (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) để khám bệnh.
Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam, nền tảng sẽ còn phát triển tính năng phẫu thuật từ xa.
Việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và BV Đa khoa Mường Khương được thực hiện trực tuyến dưới sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ. |
Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương là 1 trong 4 điểm cầu được chọn để tham gia mô hình khám, chữa bệnh từ xa này. Để chuẩn bị cho sự kiện này, bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương tư vấn, giải thích cụ thể về hoạt động này, thực hiện các siêu âm, xét nghiệm cần thiết.
Tham gia buổi khám, chữa bệnh từ xa này, bệnh nhân được kiểm tra kĩ càng về tình trạng bệnh tật từ các chuyên gia đầu ngành, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Ông Tạ Kiên Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) cho biết: "Chúng tôi phối hợp với các đơn vị thiết lập đường truyền, cũng như chuẩn bị bệnh nhân cần thiết. Về cơ sở vật chất bệnh viện cũng đã thay đổi một số thiết bị cho phù hợp. Theo tôi đánh giá, khám, chữa bệnh online sẽ rất hiệu quả đối với các bệnh viện miền núi, vì sẽ được thực hiện kỹ thuật chẩn đoán tuyến trên ngay tại địa phương".
Tại điểm cầu BV Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân Đỗ Văn H (64 tuổi) mắc bệnh tim mạch tại Hà Nội đã được tư vấn khám chữa bệnh từ xa bởi các chuyên gia tim mạch hàng đầu từ hội trường Đại học Y Hà Nội, qua Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng- Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Trưởng Bộ môn Tim mạch đã trực tiếp tư vấn khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Nền tảng này đã kết nối trực tuyến các bác sĩ và người bệnh trong khi người bệnh đang ở nhà.
Theo dõi cuộc hội chẩn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trò chuyện trực tuyến với bệnh nhân này, động viên bệnh nhân chiến thắng bệnh tật. Thủ tướng cũng đã chúc mừng các y bác sĩ của các bệnh viện tham gia buổi hội chẩn trực tuyến, đặc biệt các bệnh viện tuyến dưới, đã bước đầu thành công trong việc ứng dụng công nghệ số trong khám chữa bệnh.
Dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn, hướng tới Quốc gia số
Cũng tại sự kiện, ứng dụng Bluezone đã được ra mắt. Đây là giải pháp dùng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Điện thoại thông minh (smartphone) được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần.
Nếu có trường hợp nhiễm Covid-19 (F0), cơ quan y tế nhập dữ liệu vào hệ thống, hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng về nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2.
Người dân có thể cài ứng dụng này trên điện thoại, nhằm bảo vệ mình và cộng đồng, góp phần ngăn chặn sự lây lan của vi rút, giúp cơ quan chức năng có thể phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời với tình hình.
“Tuy không phải quốc gia đầu tiên giới thiệu giải pháp này, nhưng phần mềm Việt Nam đã giải quyết được cơ bản các trường hợp bỏ sót hoặc chưa hoạt động tối ưu mà một số phần mềm tương tự trước đây mắc phải,” đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Trong một vài ngày tới, sau khi App Store và Google Play đưa Bluezone lên hệ thống của mình, người sử dụng có thể cài đặt ứng dụng này. Những ai muốn trài nghiệm ngay vẫn cỏ thể tải ứng dụng về thông qua chương trình mời sử dụng tại website bluezone.vn.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19 mang lại hiệu quả nhân ba lần. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến ứng dụng đáp ứng được yêu cầu giãn cách xã hội, giảm các thủ tục hành chính, giấy tờ phức tạp và giảm chi phí cho người dân, giảm tải bệnh viện, mang lại sự an toàn cho người bệnh, tránh lây lan dịch bệnh.
Thủ tướng cũng đánh giá sự phối hợp giữa ngành Thông tin và Truyền thông, ngành Y tế thúc đẩy hình thành cơ sở dữ liệu Quốc gia, chuyển đổi số của lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao dịch vụ y tế, chăm sóc đời sống sức khoẻ cho người dân. Việt Nam cần có những nền tảng công nghệ khám chữa bệnh từ xa, bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện khi cần thiết, bệnh viện tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới...
Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia để ký ban hành trong tháng 4/2020. Đây là vấn đề quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong mọi mặt xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hiệu triệu doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không ngừng sáng tạo, phát triển nhiều nền tảng chuyển đổi số hơn nữa, phát triển nhiều ứng dụng hơn nữa phục vụ nhân dân.
Thủ tướng đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp tục quyết liệt triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, liên tục đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này.
Thủ tướng lưu ý điều quan trọng là phải có các bác sĩ y khoa chuyên môn cao, đồng thời các bác sĩ này cũng phải là kỹ sư tin học, “chứ đây không thể là câu chuyện thực tập bởi sai một ly, đi một dặm”, cho nên, phải chọn người giỏi, thông thạo chuyên môn.
“Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số”, Thủ tướng nói và chúc 14.000 cơ sở y tế tổ chức thành công nền tảng này tại bệnh viện, cơ sở của mình.