Ngành Giáo dục Thủ đô nâng cao chất lượng toàn diện, tiên phong nhiều lĩnh vực
Hân hoan đón nhận những thành tích tự hào
Năm 2022 có dấu ấn đặc biệt đối với Giáo dục Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung khi toàn ngành hân hoan kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Niềm hân hoan ấy càng được nhân lên khi thầy và trò Thủ đô đón nhận những thành tích đáng tự hào.
Hà Nội ra mắt Trung tâm điều hành giáo dục thông minh |
Năm học 2022-2023, Hà Nội đang lập quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Toàn thành phố có 2.840 trường, trên 65.000 lớp, gần 2,2 triệu học sinh, gần 139.000 giáo viên, trên 67.500 phòng học.
Hà Nội là địa phương sớm nhất ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố, trong đó có 4 chính sách mới: Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; Hỗ trợ kính phí hàng tháng đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; Trợ cấp hàng tháng đối với trẻ em mầm non là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp; Hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã thuộc vùng khó khăn (mức gấp 1,5 lần quy định tối thiểu của Chính phủ)…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 triển khai nhiệm vụ năm học 2022 -2023 |
Năm học 2021-2022, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 2 nghị quyết liên quan đến chính sách học phí. Ngoài ra, học sinh công lập thuộc 2 đối tượng sẽ không phải đóng học phí là: Học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã miền núi; Học sinh thuộc đối tượng giảm học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP đang theo học tại các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội.
Các chính sách trên thể hiện sự quan tâm của thành phố Hà Nội đối với lĩnh vực GD&ĐT, kịp thời chia sẻ khó khăn đối với người dân trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Năm học 2022-2023, thành phố quan tâm xây mới, thành lập mới các trường học ở các cấp; Đối với khối các trường trực thuộc Sở GD&ĐT đã xây mới, thành lập mới trường THPT Minh Hà; Cải tạo, sửa chữa 42 trường. Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 10/2022, toàn thành phố có hơn 1.500 trường công lập đạt chuẩn, chiếm gần 68% tổng số trường. Nhiều đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn cao hơn mức trung bình của thành phố như: Huyện Đan Phượng, quận Tây Hồ, huyện Gia Lâm, quận Thanh Xuân, quận Long Biên... (5 đơn vị đứng đầu xếp hạng trường chuẩn quốc gia hiện tại)
Dù vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ trường đạt chuẩn giữa các địa bàn song về cơ bản, những nỗ lực trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của các quận, huyện, thị xã đã và đang gặt hái quả ngọt, tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục.
Hà Nội tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế hai kỳ thi: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 với tổng số học sinh dự tuyển sinh là 129.000 (tăng 19.000 so với năm học 20221-2022); Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với 97.988 thí sinh tham gia.
Trong năm học qua, học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong tác kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế với 125 học sinh đạt giải quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế; Đạt giải Nhất toàn đoàn hội thi “Giai điệu tuổi hồng toàn quốc lần thứ XII năm 2022”.
Với những kết quả toàn diện đạt được, Bộ GD&ĐT công nhận thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (từ tháng 12/2021). Hà Nội là một trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 (cùng với Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình).
Tích cực chuyển đổi số
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác GD&ĐT có sự tiến bộ vượt bậc. Chỉ số cải cách hành chính của Sở GD&ĐT Hà Nội tăng 8 bậc từ xếp vị trí thứ 17 lên xếp vị trí thứ 9/22 Sở, ngành, cơ quan thuộc thành phố.
Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) ngành GD&ĐT được xây dựng và đi vào hoạt động phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến vào trường mầm non, lớp 1, 6 và 10 THPT trên trang http://tsdaucap.hanoi.gov.vn và mô hình “Trường học điện tử”, học tập trực tuyến trên hệ thống Hanoi Study... được cha mẹ học sinh và Nhân dân quan tâm tin tưởng và đánh giá cao.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu chỉ đạo khi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại trường THPT Phan Đình Phùng |
Năm 2022 cũng là năm thứ 6 ngành Giáo dục Thủ đô triển khai giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Giải thưởng đã được các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc triển khai sâu rộng đến các nhà giáo. Ban Tổ chức đã vinh danh 40 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 155.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã có những đổi mới, sáng tạo nổi bật nhất trong thời gian qua góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường và lan tỏa trong các nhà giáo của ngành GD&ĐT Thủ đô.
Ông Trần Thế Cương - Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Phương hướng chung của ngành GD&ĐT Hà Nội là tăng cường kỷ cương, nề nếp; Coi trọng chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội; Giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ; Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn tại các trường chuyên, trường chất lượng cao, góp phần tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chúc mừng thành tích của thầy và trò trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tham gia cuộc thi chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 |
Trên cơ sở phương hướng chung ấy, Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; Bảo đảm an toàn trường học; Tích cực phòng, chống dịch COVID-19; Triển khai chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng; Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 3, 7 và 10; Tham mưu thành phố về việc xây dựng 7 trường có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại; Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số...
Năm 2023 với nhiều cơ hội mới, thách thức và cả niềm tin Nhân dân Thủ đô dành cho các nhà trường, thầy cô giáo và toàn ngành Giáo dục. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục, ông Trần Thế Cương cho biết: “Ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để các trường được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo... qua đó, giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục đại trà giữa các địa phương trên địa bàn thành phố”.
“Ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, triển khai việc học, kiểm tra đánh giá với tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật”; Đặc biệt tăng cường giáo dục đạo đức, phẩm chất, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội”; Thu hút mọi nguồn lực xã hội và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức để xây dựng xã hội học tập, phát triển kinh tế tri thức phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.