Ngành Y tế Hà Nội nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người dân
Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu
Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được ngành y tế Hà Nội triển khai hiệu quả như chuyên ngành gây mê hồi sức với kỹ thuật ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy tại tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh với can thiệp mạch điều trị khối u, cắt hớt niêm mạch đường tiêu hóa điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Chuyên ngành ngoại khoa làm chủ kỹ thuật ghép thận, ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật vi phẫu, chỉnh hình xương tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; Can thiệp bào thai với nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu trong song thai và dải xơ buồng ối, truyền dịch buồng ối tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội…
Ca cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang |
Các bệnh viện tuyến thành phố tích cực hợp tác quốc tế và trong nước để tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ y học mới trong chẩn đoán và điều trị; Các bệnh viện tuyến huyện chủ động phối hợp với các bệnh viện tuyến thành phố để nâng cao kỹ thuật tại đơn vị; Phẫu thuật nội soi được thực hiện thường quy tại các bệnh viện tuyến huyện.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng số lượt khám chữa bệnh toàn ngành là 4.202.945 lượt, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022; Tổng số lượt điều trị nội trú là 498.891 lượt (giảm 4,6%), điều trị ngoại trú 1.128.920 lượt (tăng 20,87%);
100% cơ sở khám chữa bệnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, triển khai bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử giúp người dân và nhân viên y tế tiết kiệm thời gian, giảm giấy tờ thủ tục, đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám, chữa bệnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn đang được kiểm soát tốt. Đối với công tác thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, ngành Y tế Hà Nội duy trì hệ thống cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, giảm thiểu tỷ lệ người bệnh tử vong; Triển khai hiệu quả việc quản lý, giám sát người bệnh COVID-19 điều trị tại nhà.
Công tác điều trị người bệnh COVID-19 tại 35/41 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố với tổng số 7.330 giường bệnh theo quyết định của UBND TP trong đó có 1.240 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế đã điều trị cho 2.441 trường hợp tại bệnh viện (tử vong 1 trường hợp là người cao tuổi, có bệnh nền). Cũng trong thời gian này, Sở Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn và thực hiện kiểm tra, giám sát 15 bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Qua kiểm tra, giám sát, Sở Y tế đã chỉ ra cho các đơn vị những tồn tại, hạn chế, giúp các đơn vị kịp thời khắc phục để nâng cao chất lượng bệnh viện, phục vụ tốt công tác khám, bệnh chữa bệnh.
Tiếp tục đẩy mạnh vai trò của y tế cơ sở
Về hoạt động nâng cao chất lượng y tế cơ sở, thực hiện kế hoạch của thành phố về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, thành phố Hà Nội hỗ trợ các quận, huyện, thị xã đầu tư nâng cấp Y tế cơ sở trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách tổng số 198 dự án (9 trung tâm y tế, 11 phòng khám đa khoa và 178 trạm y tế); Ngoài ra còn 153 dự án đầu tư nâng cấp y tế cơ sở từ ngân sách cấp huyện.
Hiện nay, UBND các quận, huyện, thị xã đang tiến hành tổ chức triển khai đầu tư cho các dự án y tế cơ sở năm 2023 theo kế hoạch được duyệt. Sở Y tế đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã hướng dẫn về chuyên môn theo đúng quy định. Đồng thời, Sở cũng đang tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án tại một số quận, huyện, thị xã.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Võng La, huyện Đông Anh |
Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, trong thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hoạt động chuyên môn kịp thời, hiệu quả.
Các đơn vị cần tập trung nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa nhằm thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở.
Ngoài ra, các đơn vị thực hiện thẩm định bổ sung danh mục kỹ thuật chuyên môn, bố trí số lượng người hành nghề để đảm bảo hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh tại các trạm y tế, phòng khám đa khoa; Tiếp tục triển khai trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khoẻ người dân (cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử khi có phần mềm của Bộ Y tế).
Đặc biệt, lãnh đạo các Trung tâm Y tế cần tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đối với y tế cơ sở, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền trong các hoạt động chuyên môn về y tế tại địa phương.
Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động của trạm y tế, thực hiện phần mềm quản lý sức khỏe liên thông với các phần mềm y tế khác để có dữ liệu liên tục được cập nhật khi người dân đi khám, chữa bệnh.