Ngành y tế tiếp tục triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử
Ảnh minh hoạ
Bài liên quan
TP HCM triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử
Phấn đấu đến 2020, tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử
Thêm phần mềm về quản lý, lưu trữ hồ sơ sức khỏe cá nhân
"Vũ điệu rửa tay" phòng Covid-19 được biên soạn ra 6 tiếng dân tộc
Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Hồ sơ sức khỏe điện tử là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.
Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần hiện đại hóa ngành y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử hướng đến 4 mục tiêu cụ thể: xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin theo quy định tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chuyên gia y tế và người dân.
Thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua các tiêu chuẩn của ngành y tế đã ban hành bao gồm tiêu chuẩn quốc tế HL7 và chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phấn đấu đến năm 2020 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia.
Phấn đấu đến 2025 có 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.
Hồ sơ quản lý sức khỏe bao gồm các thông tin tiền sử sức khỏe cơ bản (nhóm máu, chiều cao, cân nặng...); bệnh tật phù hợp nhóm đối tượng chia theo độ tuổi: trẻ em dưới 5 tuổi, độ tuổi học đường (6 - 18 tuổi), người trưởng thành (18 - 59 tuổi), người cao tuổi (từ 60 tuổi); phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi).
Để triển khai lâu dài, hồ sơ quản lý sức khỏe dự kiến sẽ là một phần của gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả, với mong muốn mỗi năm người dân sẽ được kiểm tra sức khỏe một lần (trường hợp khỏe mạnh, không có bệnh).
Nếu thực hiện tốt, quản lý tốt các dữ liệu thì hồ sơ theo dõi sức khỏe không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn là hiệu quả về kinh tế. Bởi vì, khi người dân được phát hiện sớm bệnh tật (nếu có) thì chi phí sẽ giảm vì bệnh ở giai đoạn sớm sẽ hạn chế sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.
Để phát huy hiệu quả cao nhất sự đóng góp của hồ sơ quản lý sức khỏe, trong đợt điều trị cho người bệnh, các bác sĩ cũng cần tham khảo tối đa các kết quả về chẩn đoán, xét nghiệm đã lưu tại hồ sơ này.